Từ xa xưa, ông cha ta từng căn dặn “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, hay “Một kho vàng không bằng một nang sách” đủ để thấy sự trân trọng, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu đọc sách, thưởng thức văn hóa đọc cũng phát triển theo nhiều cách khác nhau song đều hướng tới mục đích góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bồi đắp tri thức, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực
Những ngày này, ở nhiều địa phương trong tỉnh đang sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 – sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và toàn cộng đồng xã hội. Thông qua đó, nhằm góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, kết nối các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động phát triển văn hóa đọc.
Theo đó, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các chương trình ngoại khóa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với các hoạt động bổ ích như: Giao lưu, tọa đàm, chia sẻ kỹ năng đọc sách hiệu quả; thi hùng biện, thuyết trình giới thiệu cuốn sách hay theo chủ đề; kể chuyện theo sách; sân khấu hóa các tác phẩm văn học…
Thầy giáo Nguyễn Huy Phan, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Chuyên Hạ Long, chia sẻ: Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, Tổ Ngữ Văn, Đoàn Thanh niên và Thư viện nhà trường đã phối hợp tổ chức chương trình ngoại khóa với các hoạt động bổ ích thu hút sự quan tâm của học sinh như: Giao lưu văn nghệ các ca khúc lấy cảm hứng từ sáng tác văn học; giới thiệu cuốn sách “Quảng Ninh – thiên nhiên, con người, văn hóa”; chơi đố vui các câu hỏi về sách và văn hóa đọc. Cùng với đó, để khuyến khích phát triển phong trào đọc sách, nhà trường đã mở rộng không gian thư viện với nhiều đầu sách hay đáp ứng nhu cầu đọc của giáo viên, học sinh. Đoàn trường cũng duy trì hoạt động các CLB phát thanh báo chí, CLB tranh biện – nơi các em được rèn luyện thêm kỹ năng đọc, kỹ năng viết, khả năng tư duy thông qua việc đọc sách, vận dụng kiến thức từ sách vào cuộc sống, học tập.
Cùng với đó, Thư viện tỉnh cũng tổ chức chuỗi các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thu hút các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gồm: Tổ chức tuần lễ sách khuyến học Quảng Ninh 2024, trưng bày, giới thiệu sách (từ ngày 5-30/4) tại Thư viện tỉnh với chủ đề: “Văn hóa đọc thắp sáng trí tuệ Việt Nam”. Theo đó, sẽ trưng bày, giới thiệu 3.000 bản sách, báo, tạp chí về các kiến thức tổng hợp: Kinh tế, chính trị, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, trí tuệ nhân tạo, khoa học; tác phẩm văn học kinh điển, các tư liệu tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời giới thiệu trực tuyến các không gian trưng bày trên website, fanpage, kênh Youtube của Thư viện tỉnh. Đơn vị cũng phối hợp với một số công ty sách, nhà xuất bản tổ chức “hội sách 1980 books – Khởi nguồn tri thức” nhằm giới thiệu và bán sách giá ưu đãi dành cho nhân dân; quyên góp sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, chương trình “Văn hóa đọc trên hành trình thắp sáng trí tuệ Việt Nam” chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III, năm 2024 sẽ có các hoạt động như: Tọa đàm Bác Hồ với việc học và tự đọc; trao tặng thẻ thư viện số và thẻ thư viện cho học sinh nghèo vượt khó; trao tặng không gian đọc sách, tương tác và sinh hoạt Đội cho thiếu nhi; phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Phát triển văn hóa đọc bền vững
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu về công tác phát triển văn hóa đọc. Theo thống kê, 100% các thành phố, huyện, thị xã, các trường học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, 80% các nhà văn hóa xã có tủ sách.
Trong đó, trung bình mỗi năm Thư viện tỉnh phục vụ trên 200.000 lượt bạn đọc và khách tham quan, hơn 1 triệu lượt sách, báo luân chuyển trên cả hai hệ thống điện tử và truyền thống; thực hiện luân chuyển, trao tặng cho hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học từ 20.000 bản sách trở lên. Đồng thời, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu và hướng dẫn mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh sử dụng trang thư viện số nhằm giúp bạn đọc tiếp cận hơn 2 triệu tài liệu với đa dạng các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… Đặc biệt, chú trọng thực hiện các hoạt động thư viện theo hướng hiện đại hóa, tạo lập các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến, phục vụ bạn đọc trên môi trường số.
Hằng năm, Thư viện tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động, cuộc thi, sự kiện nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, như: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh; Hội sách Quảng Ninh; Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời. Đồng thời, tổ chức triển lãm, giới thiệu sách trực tuyến phục vụ bạn đọc trên môi trường số như triển lãm “Học tập trong thời kỳ chuyển đổi số – cơ hội và thách thức”; triển lãm trực tuyến giới thiệu tài liệu địa chí của thư viện với chủ đề: “Bác Hồ với Quảng Ninh, Quảng Ninh với Bác Hồ”…
Từ năm 2020, Thư viện tỉnh Quảng Ninh phối hợp một số đơn vị thực hiện chương trình xây dựng “Tủ sách tri thức” dành cho các trường học, các nhà văn hóa thôn, xã khó khăn, vùng biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã xây dựng và trao tặng gần 10.000 bản sách và hàng trăm tủ sách.
Bà Phạm Thị Thúy Hải, Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Nằm trong xu hướng phát triển chung của các ngành, các lĩnh vực, văn hóa đọc hiện nay chịu không ít ảnh hưởng sự tác động từ công nghệ số. Vì vậy, Thư viện tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình thư viện số; tăng cường tạo lập các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến, xây dựng các kênh tương tác với bạn đọc qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội; ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào một số hoạt động và dịch vụ của Thư viện; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng môi trường thư viện số.
Việc thay đổi góc nhìn và cách thức tổ chức các mô hình phục vụ bạn đọc tạo tác động tích cực đối với việc phát triển văn hóa đọc trên toàn tỉnh, giúp cho bạn đọc hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách đúng đắn, hiệu quả, từ đó nâng cao vốn hiểu biết, tri thức. Song để phong trào đọc và văn hóa đọc phát triển một cách bền vững thì việc xây dựng một môi trường đọc cũng như thói quen đọc cần sự chung tay, trách nhiệm từ mỗi gia đình, nhà trường, các cơ quan tổ chức cho đến cộng đồng.