Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, nhiệm vụ chính trị của Quảng Ninh, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Xác định phụ nữ là nhân tố tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh, thời gian qua các cấp hội phụ nữ của Quảng Ninh đã tích cực thực hiện các phong trào thi đua. Đến nay, 100% cán bộ hội và hội viên được tuyên truyền về những giá trị đặc trưng của tỉnh, của con người Quảng Ninh; 100% Hội LHPN cấp huyện có ít nhất 1 mô hình về phát huy giá trị văn hóa, con người địa phương.
Tại các địa phương miền núi của tỉnh, nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, Hội LHPN các cấp đã tích cực vào cuộc tham gia các hoạt động khôi phục thành lập và ra mắt các mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa qua các CLB văn hóa văn nghệ truyền thống, như: Hát Then của người Tày, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Pả dung của người Dao Thanh Phán… đây là những làn điệu truyền thống đã được người dân gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Chị Lục Thị Thanh (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) cho biết: Tôi rất mong muốn đem làn điệu Soóng cọ của dân tộc mình đến các chương trình nghệ thuật đặc sắc của tỉnh, của cả nước, để quảng bá nét văn hoá truyền thống của địa phương.
Việc giữ gìn và bảo tồn các làn điệu văn nghệ truyền thống được coi là trách nhiệm, nghĩa vụ và thể hiện tình yêu quê hương, bản sắc dân tộc của phụ nữ nói riêng, người dân Quảng Ninh nói chung. Các mô hình, CLB văn hóa vừa tạo sân chơi giao lưu cho hội viên phụ nữ, vừa gìn giữ, phát huy, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của địa phương. Trước sự phát triển của nền kinh tế hiện đại, việc giữ gìn những nét đặc trưng riêng có trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS là vô cùng cần thiết trong việc xây dựng văn hóa trở thành điểm tựa cho sự phát triển KT-XH.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã đăng ký trên 8.000 mô hình tập thể và cá nhân tập trung vào thực hiện trách nhiệm công dân; chấp hành các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước, địa phương; tích cực tham gia phát triển KT-XH; thực hiện nếp sống văn minh tại nơi cư trú.
Trong đó, Hội LHPN các cấp đã tích cực vận động hội viên phụ nữ hưởng ứng và tham gia sôi nổi các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Trong đó rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường đã được các cấp hội phụ nữ triển khai và đem lại hiệu quả đáng ghi nhận như “Biến rác thành tiền”, “Ủ phân hữu cơ”, “Chủ nhật xanh”…
Nổi bật phải kể đến mô hình Ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ với 200 hộ dân đăng ký tham gia tại các xã, thị trấn của Hội LHPN huyện Đầm Hà. Các hộ dân đã được hướng dẫn về cách thức phân loại rác thải tại hộ gia đình, hướng dẫn sử dụng chế phẩm SagiBio trong ủ rác thải hữu cơ, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình; được tặng các nguyên vật liệu gồm 1 thùng ủ rác, 3 thùng phân loại rác, chế phẩm SagiBio để xử lý rác thải sinh hoạt hưu cơ tại gia đình.
Phát huy hơn nữa vai trò giữ gìn phát huy giá trị văn hóa của các cấp hội phụ nữ Quảng Ninh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thời gian tới phụ nữ toàn tỉnh sẽ tiếp tục khôi phục, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, phát huy nét đặc sắc bản địa, trở thành những người chủ động đưa văn hóa dân tộc trở thành nguồn lực phát triển KT-XH ở từng địa phương.