Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) nơi được mệnh danh là cố đô Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Mỗi năm, khu di tích này thu hút hàng triệu lượt du khách, nhân dân và phật tử, từng bước trở thành di sản của nhân loại.
Yên Tử được xem là vùng đất Phật, hội tụ đầy đủ tinh thần Phật giáo, kinh đô của Phật giáo Việt Nam. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm và dấu vết của thời gian, ngày nay các di tích còn lại ở Yên Tử là 11 ngôi chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, hội tụ đầy đủ những phong cách, giá trị quý giá về kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc của các triều đại Lý – Trần – Lê – Nguyễn.
Yên Tử nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây gìn giữ được gần như nguyên vẹn khoảng 2.700ha rừng nguyên sinh. Vẻ đẹp của Yên Tử còn là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa, am, tháp, lăng, là sự thơ mộng của mây trời, non nước lẫn với vẻ đẹp của cây cỏ hoa lá và chim muông; là sự phong phú của thảm thực vật với những loại cây dược liệu có giá trị cao về mặt y học. Đây là nét hấp dẫn riêng mà không phải khu di tích lịch sử và danh thắng nào cũng có được. Tính riêng từ ngày 10-27/2/2024, Yên Tử thu hút trên 190.000 lượt khách tới tham quan, chiêm bái.
Chị Trương Thị Nhâm (du khách Hải Dương) cho biết: Hằng năm, Yên Tử luôn là điểm đến đầu tiên trong hành trình du xuân, chiêm bái, vãng cảnh của gia đình tôi. Chúng tôi rất thích không gian thanh tịnh, cổ kính, trầm mặc của các chùa, am, tháp… nơi đây. Tại đây, gia đình không chỉ cầu mong những điều bình an, may mắn, tốt lành trong cuộc sống, mà còn được lắng nghe, tìm hiểu và thêm hiểu biết các giá trị lịch sử của khu di tích qua loa phát thanh, bảng chữ, pano… Những chuyến du xuân đầu năm của gia đình càng trở nên ý nghĩa hơn khi có cơ hội để giáo dục con cháu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của dân tộc.
Những năm qua, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích và danh thắng Yên Tử luôn được tỉnh Quảng Ninh, TP Uông Bí và các đơn vị liên quan xác định là trách nhiệm. Trong đó, tỉnh và TP Uông Bí đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể Yên Tử với Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều; chỉnh trang hệ thống biển chỉ dẫn, sơ đồ, biển báo; sửa chữa toàn bộ hệ thống lan can trên tuyến đường hành hương bộ từ chùa Hoa Yên đi chùa Vân Tiêu và đi An Kỳ Sinh, đoạn từ chùa Một Mái đi Bảo Sái lên An Kỳ Sinh và từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng; sửa chữa, bảo dưỡng các bậc đá bị bong, bật trên toàn bộ tuyến đường hành hương bộ từ chùa Giải Oan – Hoa Yên – Một Mái – Bảo Sái – An Kỳ Sinh; tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử”…
Cùng với đó, công tác đảm bảo ANTT, ATGT, PCCN, vệ sinh môi trường, văn minh lễ hội được tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan coi trọng, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách; lan tỏa giá trị của giá trị và từng bước đưa Yên Tử trở thành trung tâm văn hóa du lịch tâm linh quốc gia.
Là doanh nghiệp khai thác dịch vụ du lịch tại Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ với Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử 133 phòng, hội trường Diên Hồng Ballroom 700 chỗ, sân quảng trường Minh Tâm và Hoa Tâm có thể đáp ứng cho hàng vạn du khách tham gia lễ hội, hệ thống cáp treo hiện đại theo công nghệ của Pháp lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng… Cùng với đó có nhiều sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống, như: Thiền, hội họa, trình diễn thời trang, ẩm thực, hội nghị, hội thảo… Những sản phẩm này không chỉ mang đến cho người dân và du khách trải nghiệm thú vị, mà còn xây dựng Yên Tử là điểm đến 4 mùa với đa màu sắc.
Yên Tử với các giá trị lịch sử văn hóa còn hiện hữu cho tới hôm nay. Các giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan nơi đây vẫn đang từng ngày được nhiều thế hệ nối tiếp kế thừa, ngày một phát triển, lan tỏa tới nhiều vùng, miền trong và ngoài nước. Anh Lăng Văn Toán (du khách Hà Nội) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân tới đây và thực sự ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp linh thiêng, hùng vĩ, mang đậm dấu ấn của các thời đại Yên Tử. Tôi rất hài lòng bởi dù trong những ngày đầu xuân Yên Tử đón hàng nghìn lượt khách mỗi ngày, nhưng ANTT được đảm bảo, không có tình trạng chèo kéo khách, không có tình trạng chen lấn.
Chị Trần Thị Hiên (du khách Thanh Hóa) chia sẻ: 10 năm trở lại đây, năm nào gia đình tôi cũng tới tham quan, chiêm bái, lễ Phật tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Khu di tích luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo, sửa chữa từ bậc đi bộ, hành lang, nhà sắp lễ… để người dân và du khách du xuân được an toàn, thuận lợi, hân hoan. Mặc dù vậy, các chùa, am, lăng… trong khu di tích vẫn giữ được nét đẹp trang nghiêm, cổ kính, giàu văn hóa. Chính vẻ đẹp đó đã khiến chúng tôi luôn chọn Yên Tử là điểm đến hằng năm.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Việc quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hoá thế giới không chỉ góp phần khẳng định sự trường tồn của Yên Tử, mà còn vươn tầm, mở rộng, lan tỏa giá trị của di sản. Các cấp, ngành và đơn vị liên quan cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo tồn các di tích gốc còn lại đã phát lộ hoặc còn ẩn sâu dưới lòng đất, bảo tồn hệ thống cảnh quan gắn liền với di tích, nghiên cứu quy hoạch di tích trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc, quảng bá giá trị Phật giáo Trúc Lâm và văn hóa thời Trần.