Những bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu mà chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện luôn mang trong mình trái tim tràn đầy nhiệt huyết, một lòng vì Đảng, vì dân. Bằng tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, sự năng động, sáng tạo, họ đang chứng tỏ bản lĩnh, hạt nhân chính trị ở khu dân cư, làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng với dân, là cán bộ của dân, được người dân quý mến, tín nhiệm.
Chị Khổng Thị Ngọ (SN 1990), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 4 (xã Hải Hòa, TP Cẩm Phả): “Động lực để tôi tiếp tục cống hiến”
Năm 2016, tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ làm Bí thư Chi bộ, tiếp đó là Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn. Khi đó tuổi đời tôi còn rất trẻ, là bí thư chi bộ, trưởng thôn trẻ nhất tỉnh, nên việc thiếu kinh nghiệm, thiếu uy tín là không tránh khỏi.
Nhưng tôi luôn tâm niệm nhiệm vụ đặt lên vai người trẻ như tôi chính là sự tín nhiệm mà Đảng và người dân đã giao phó, tôi không thể từ bỏ được. Bên cạnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, tôi nỗ lực tìm hiểu, nắm rõ các nguyên tắc, Điều lệ Đảng, nhiệm vụ của Bí thư Chi bộ để thực hiện tốt trọng trách “Dân tin, Đảng cử”. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất… Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi nhận được sự giúp đỡ của các thế hệ đi trước là các đồng chí nguyên là lãnh đạo xã, nguyên Bí thư Chi bộ thôn, các đảng viên lão thành, nên tôi dần bắt nhịp với công việc, những khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ.
Chỉ sau một nhiệm kỳ, bằng kết quả làm được, tôi được cấp trên ghi nhận, đảng viên trong Chi bộ, nhân dân trong thôn tín nhiệm. Đây cũng là lý do đến hết năm 2024 tôi đảm nhiệm được 3 nhiệm kỳ. Năm 2024 Chi bộ thôn tiếp tục được công nhận là chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; thôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt thôn văn hoá, được xã đề xuất thành phố khen thưởng. Đó là động lực để tôi tiếp tục cống hiến trí tuệ và sức lực để xây dựng Chi bộ, thôn ngày càng phát triển.
Anh Triệu Quý Cương (SN 1997, dân tộc Dao Thanh Phán), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Quặng (xã Đồng Lâm, TP Hạ Long): “Nghị quyết phải xuất phát từ cuộc sống”
Ngày 22/12/2017 là dấu mốc quan trọng mang tính bước ngoặt trong cuộc đời tôi khi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng với lời tuyên thệ thiêng liêng trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2018, rời quân ngũ về địa phương, tôi bắt đầu một hành trình mới nhiều trách nhiệm, lắm gian nan, nhưng cũng đầy những nhiệt huyết phấn đấu của tuổi trẻ.
Với số phiếu bầu tuyệt đối 100%, tôi bắt đầu đảm trách vai trò Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Đồng Quặng từ năm 2022. Thời gian đầu tôi không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bởi cuộc sống còn nhiều khó khăn về kinh tế. Nhưng đó không phải thử thách lớn nhất, mà là Chi bộ hầu hết là đảng viên cao tuổi, trong khi tuổi đời tôi còn rất trẻ, thiếu nhiều kinh nghiệm, vốn sống…
Để chứng minh và thuyết phục mọi người bản thân đủ năng lực, xứng đáng với vị trí đòi hỏi nhiều trách nhiệm này, tôi không ngại khó, ngại khổ, thậm chí nhiều đêm thức trắng để đọc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu những cách làm mới, mô hình hay ở những chi bộ trong xã, trong thành phố, trong tỉnh, cả tỉnh ngoài để tìm ra hướng đi cho chi bộ mình, thôn mình. Bài toán cũng dần có lời giải khi tôi nhận thấy yếu tố đồng thuận, thống nhất là quan trọng nhất; các nghị quyết của Chi bộ muốn trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống thì phải xuất phát từ cuộc sống chứ không phải trên giấy tờ; duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải được đặc biệt chú trọng…
Với cách làm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, mặc dù mất thời gian, công sức nhưng tôi thấy vui khi công việc có hiệu quả, Chi bộ, thôn ngày một phát triển. Chỉ hơn 2 năm từ khi đảm nhiệm, tôi đã cùng Chi bộ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện thành công GPMB tuyến đường chào mừng 30 năm Ngày thành lập thành phố, hỗ trợ các hộ di dời nhà ở do bị ảnh hưởng GPMB. Đồng Quặng là thôn NTM, không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Anh Lý Thường (SN 1977, dân tộc Dao Thanh Y), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Tam (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ): “Làm tròn trách nhiệm với Đảng, lời hứa với dân”
Năm 2018, tôi được bầu là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn với số phiếu cao. Thời điểm đó tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng khi đảm nhận một lúc “hai vai” ở một thôn có địa bàn rộng với 99% dân số là đồng bào DTTS.
Tôi nhận thấy đời sống của bà con so với trước thì không bị thiếu ăn nữa, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong suy nghĩ, hành động của một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Xác định để tuyên truyền, vận động bà con vươn lên thoát nghèo là cuộc hành trình lâu dài, bền bỉ, tôi đã đưa ra bàn bạc trong Chi bộ, lấy ý kiến, thống nhất đưa ra những giải pháp thời gian tới; chủ động phối hợp với MTTQ và các đoàn thể đến từng nhà để vận động bà con làm theo những cái mới, tiến bộ.
Tôi luôn nói với bà con rằng, cuộc sống được no đủ là nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước, nhưng không phải vậy mà bà con được ỷ lại. Chúng ta phải phấn đấu, nỗ lực phát triển rừng, phát triển mô hình kinh tế, phải có việc làm để cuộc sống no đủ hơn. Các em học sinh cũng phải học tập để sau này làm cán bộ, làm thầy giáo, cô giáo… xây dựng thôn đi lên. Bằng cách tuyên truyền, vận động “mưa dầm thấm lâu”, nhận thức của bà con dần thay đổi rõ rệt; nhiều hộ đã thoát nghèo. Trong 2 năm 2020-2021 thôn có 14 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, trở thành điển hình của huyện, của tỉnh. Đến nay toàn thôn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của trung ương, số hộ khá giả chiếm 75%. Đời sống của người dân ngày một nâng cao. Tôi thấy mình đã làm tròn trách nhiệm với Đảng, lời hứa với dân.
Anh Hoàng Quang Trường (SN 1994), Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Thọ Xuân (phường Trần Phú, TP Móng Cái): “Trọng trách này tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất”
Cuộc bầu cử Trưởng khu phố nhiệm kỳ 2025-2027 (ngày 15/12/2024) tôi vinh dự được bầu giữ chức Trưởng khu. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên của tôi. Trước đây tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên của khu, hoạt động công tác đoàn, chủ yếu là các phong trào thanh niên. Giờ đây công việc của khu sẽ nhiều hơn trước rất nhiều.
Hành trình sắp tới trên cương vị một Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố với tôi chắc chắn sẽ có nhiều thử thách. 30 tuổi, nói lớn thì đã lớn, nói trẻ thì cũng còn trẻ, thế mạnh của tôi là tuổi trẻ, nhưng hạn chế cũng chính là trẻ tuổi, kinh nghiệm, vốn sống chưa nhiều, ắt hẳn không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, nhất là khi trong Chi bộ có nhiều đảng viên cao tuổi.
Tôi cũng lo lắng lắm khi mà đảm nhận một lúc “hai vai” ở một địa bàn rộng, dân số đông, hơn 1.700 nhân khẩu. Nhưng đã được nhân dân tín nhiệm, trọng trách này tôi sẽ cố gắng gánh vác một cách tốt nhất. Tôi tin, với sự ủng hộ của các đảng viên, nhân dân khu phố, cùng quyết tâm, tinh thần cầu thị của bản thân, khu phố Thọ Xuân của chúng tôi sẽ vững vàng phát triển, đời sống của nhân dân sẽ từng bước đi lên theo đúng như kỳ vọng của Đảng và nhân dân khi tin tưởng, giao phó trọng trách người đứng đầu khu phố. Kế hoạch trước mắt của tôi là khai thác thế mạnh về CNTT để ứng dụng vào hoạt động của khu phố.
Chị Tằng Nhì Múi (SN 1986, dân tộc Dao), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đài Van (xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn): “Luôn gần dân, sát dân, gương mẫu đi đầu”
Năm 2019 tôi được dân tin tưởng bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đài Van. 5 năm gắn bó với bà con nơi đây, tôi luôn xác định để có được sự tin tưởng, ủng hộ của đồng bào, trước hết bản thân mình, gia đình mình phải làm gương. Mỗi một chủ trương của tỉnh, của huyện khi triển khai xuống đến người dân, để bà con hiểu, thực hiện, tham gia, thì cán bộ thôn phải là người đi đầu.
Đài Van là một thôn khó khăn của huyện, của tỉnh; đồng bào DTTS chiếm trên 97% dân số, chủ yếu là người Dao. Đồng bào dù chăm chỉ nhưng nhận thức, hiểu biết và kiến thức về phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế so với những khu vực khác. Vì vậy, đi trước dẫn đầu, cầm tay chỉ việc, sâu sát từng nhà, từng người… là cách mà tôi làm để đồng hành cùng bà con trong mỗi việc làng, việc nước. Kể cả các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, bà con thấy mình hăng hái làm, ra kết quả thì mới yên tâm làm theo. Làm cán bộ mà không gần dân, không sát dân thì không làm được. May mắn của tôi trong suốt những năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn là được dân yêu, dân tin, nhờ đó mỗi chủ trương được triển khai đều nhận được sự đồng thuận lớn của bà con.
Giờ đây Đài Van đã khác trước, dù khó khăn vẫn còn, nhưng kinh tế và đời sống đồng bào đã tiến bộ hơn rất nhiều. Bà con chủ động thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp lạc hậu, dần nâng cao hiệu quả, năng suất trên từng thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình mình. Tinh thần nhân dân tự quản cũng được nâng lên, hăng hái tham gia xây dựng NTM, tích cực làm đẹp cảnh quan môi trường; nhờ đó diện mạo của các xóm dân cư ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Anh Trạch A Thìn (SN 1982, dân tộc Sán Chỉ), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lục Ngù (xã Húc Động, huyện Bình Liêu): “Giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”
Chẳng ai biết Soóng Cọ có từ bao giờ. Tôi lớn lên đã thấy các nam, nữ thanh niên trong thôn hát những điệu hát giao duyên thân tình đó. Mọi người hát trong những dịp đầu xuân, trong lễ hội cầu mùa, lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn… Tôi yêu những điệu hát Soóng Cọ ngợi ca vẻ đẹp của mùa xuân, đất nước, tình yêu đôi lứa, niềm vui trong lao động của đồng bào Sán Chỉ. Đó không chỉ là những lời ca, tiếng hát mà còn là văn hóa, thể hiện tinh thần của đồng bào tôi.
“Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Để nuôi dưỡng tình yêu của chính mình và của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, trên cương vị là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn được bà con tin tưởng, tôi hết sức mình để gìn giữ, phát huy những nét đẹp của đồng bào. Tôi thành lập CLB hát Soóng Cọ của thôn, tổ chức những buổi tập luyện, biểu diễn, nhằm mục đích tạo sân chơi cho những người yêu Soóng Cọ, khích lệ các em, các cháu nhỏ tuổi tham gia, để tiếng hát Soóng Cọ được vang xa, lưu truyền. Tôi cùng các thành viên CLB đang phối hợp với các trường học trên địa bàn dạy hát Soóng Cọ cho các em học sinh.
Vừa rồi tôi tham gia sưu tầm tư liệu, cung cấp các thông tin để phục vụ lưu trữ, bảo tồn, lập hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ là di sản phi vật thể quốc gia. Cùng với gìn giữ, phát huy làn điệu Soóng Cọ, tôi tuyên truyền, vận động bà con, nhất là thế hệ trẻ, mặc trang phục truyền thống của dân tộc hằng ngày, giữ gìn các phong tục tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình để phục vụ phát triển du lịch.