Cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây hậu quả hết sức nặng nề, trong đó đã tàn phá tan hoang cảnh quan, môi trường với lượng lớn rác từ phao, xốp, bè mảng trôi nổi, tàu thuyền đắm trên biển… Để xử lý triệt để lượng rác thải, những ngày qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh nỗ lực thu gom để sớm lấy lại cảnh quan tươi đẹp.
Hưởng ứng chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của Thành ủy Hạ Long, ngay sau khi bão tan, lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chỉ đạo các cán bộ nhân viên tại các điểm đón khách chủ động thực hiện việc dọn dẹp, thu gom rác tại những khu vực, vị trí các lối lên xuống, cửa hang động. Tuy nhiên, để nhanh chóng trả lại cảnh quan trên Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tổ chức đợt cao điểm ra quân thu gom rác thải trên vịnh một cách toàn diện, huy động sự tham gia của đông đảo các đơn vị, địa phương, lực lượng đóng quân trên địa bàn như: Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty CP Cây xanh công viên Quảng Ninh, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh. Chỉ sau 3 ngày thực hiện chiến dịch làm sạch Vịnh Hạ Long (từ ngày 15-17/9), các đơn vị đã thu gom gần 70 bè tre và gần 300 m3 rác thải các loại như cành, lá cây, phao xốp, rác thải sinh hoạt…
Theo ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: Việc thực hiện chiến dịch này nhằm mục tiêu góp phần khắc phục tình trạng rác thải gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường sau cơn bão số 3. Ngoài việc thực hiện cao điểm trong 3 ngày từ 15-17/9, đơn vị xác định, công tác này thực hiện thường xuyên. Sau khi làm sạch trên khu vực biển, rác thải được tập kết tại khu vực ven bờ sẽ được tổ chức thu gom triệt để từ ngày 18-25/9. Đây cũng chính là hoạt động hết sức ý nghĩa thể hiện sự quyết tâm rất cao của cấp ủy, chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, xây dựng hình ảnh Quảng Ninh trở thành điểm đến an toàn.
TP Cẩm Phả cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 khi lượng lớn rác thải dạt vào bờ cũng như trôi nổi trên biển. Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã triển khai đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường, dọn vệ sinh, thu gom rác thải trên tuyến biển với sự tham gia của 14/16 phường, xã có biển. Địa phương chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân khu phố; đồng thời huy động sự tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị, các lực lượng đóng quân trên địa bàn tích cực thực hiện dọn vệ sinh trên biển.
Thiếu tá Nguyễn Đức Trung, Phó Tham mưu Trưởng Ban CHQS TP Cẩm Phả, cho biết: Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, lực lượng vũ trang thành phố thường xuyên phối hợp với chính quyền, địa phương và các lực lượng trên địa bàn tham gia khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Đơn vị huy động trên 600 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 300 lượt phương tiện phối hợp cùng với các địa phương tham gia dọn dẹp sạch sẽ các khu vực môi trường biển để đảm bảo sinh thái chung của vùng biển Cẩm Phả nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Tính từ ngày 19/9, ngay sau khi phát động chiến dịch bảo vệ môi trường biển, TP Cẩm Phả đã huy động sự tham gia của gần 2.300 người, cùng nhiều phương tiện, máy móc chuyên dụng thực hiện thu gom các loại rác thải sinh hoạt, phao, bè nuôi trồng thủy sản trôi nổi, xác tàu thuyền bị đắm, làm sạch môi trường ven bờ cũng như trên biển. Đến nay, toàn thành phố đã thu gom được 526m3 phao xốp, rác thải và gần 80 tấn rác thải, bè mảng… Để xử lý triệt để lượng rác thải trôi nổi trên biển, thành phố tiếp tục chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 32-NQ/TU (ngày 20/7/2023) của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng “Thành phố Cẩm Phả – Thành phố không rác thải, sạch đẹp, an toàn”.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực khắc phục thiệt hại sau bão số 3, tái thiết nền kinh tế, ổn định cuộc sống, lao động, sản xuất. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường; có giải pháp thiết thực trong công tác thu gom, đưa rác thải về nơi tập kết đúng quy định và xử lý rác thải đảm bảo, không để tái phát ô nhiễm môi trường; khôi phục môi trường biển, hệ sinh thái, ổn định sản xuất nuôi trồng thủy sản.