Bên cạnh nhưng tin vui liên tục về các đoàn khách Ấn Độ, Philipines…, cuối năm, Hạ Long cũng là điểm đến của các dòng khách quốc tế khác, đặc biệt là khách du lịch tàu biển đang trên đà phục hồi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch tàu biển đang có sự hồi phục sau đại dịch Covid-19. Thị trường tàu biển Quảng Ninh cũng đang có sự khởi sắc. Thông thường theo lịch trình, du lịch tàu biển tới Hạ Long bắt đầu từ tháng 11 năm trước kéo dài tới tháng 4 năm sau.
Tàu biển Blue Dream Melody đưa khách trở lại Hạ Long trong mùa tàu biển 2024.
Từ sau đại dịch Covid-19 tới nay, du khách có xu hướng tới Hạ Long theo hải trình định tuyến sẵn có. Mùa du lịch tàu biển 2024 bắt đầu với tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm. Đó là sự trở lại của nhiều khách hàng sang trọng, quen thuộc. Tiêu biểu là tàu biển các hãng Royal Caribbean Cruise Lines, Azamara, Mein Schiff 5… mang hàng nghìn khách Mỹ, Canada, Anh, Australia… tới Hạ Long từ tháng 1-4. Đặc biệt, có tàu biển sang trọng lần đầu tiên trở lại và lưu trú dài ngày ở Hạ Long là tàu biển The World (quốc tịch Mỹ) đưa trên 170 du khách là các triệu phú, tỷ phú chủ yếu đến từ Mỹ, châu Âu, lưu lại 4 ngày ở Hạ Long.
Theo Sở Du lịch, năm 2024, Hạ Long dự kiến sẽ đón khoảng 60-70 chuyến tàu biển, mang theo khoảng 70.000 lượt khách, trong đó dịp cuối năm 2024 cũng là thời gian cao điểm đón khách.
Điều các đơn vị quan tâm là việc phát triển, làm mới sản phẩm du lịch để hấp dẫn, giữ chân, tăng chi tiêu của du khách. Cơ quan chức năng, các địa phương đã vào cuộc tích cực. “Ngoài điều kiện thuận lợi, TP Cẩm Phả cũng như các địa phương khác luôn quan tâm, nỗ lực đổi mới tạo sức hút. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp và sở, ngành phát huy thế mạnh du lịch địa phương” – ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả chia sẻ.
Du khách tàu biển tham quan TP Hạ Long.
Nhờ sự quan tâm của các địa phương, nhiều điểm đến, hành trình, sản phẩm được quan tâm đầu tư, làm mới, đã và đang thu hút khách tàu biển. Điển hình, TP Cẩm Phả có các hành trình tham quan vịnh Bái Tử Long – vịnh Hạ Long và ngược lại, tham quan tuyến hang động Vũng Đục – đường bao biển Cẩm Phả…
Nhiều địa phương, cơ quan quản lý, đơn vị lữ hành xúc tiến khởi động lại tour truyền thống, như: Tham quan làng quê, làng nghề truyền thống ở TX Quảng Yên; tour du lịch miệt vườn, làng nghề gốm sứ ở TX Đông Triều; tour trải nghiệm làng bản Khe Tiền – Sông Moóc, khám phá rừng hồi, sở, trải nghiệm nhà trình tường, văn hóa người Dao ở huyện Bình Liêu… Đây là các điểm đến tiềm năng cho khách tàu biển.
Trước đó, Quảng Ninh cũng đã thúc đẩy đầu tư, ra mắt các cơ sở hạ tầng, xây dựng các điểm, tour du lịch mới hấp dẫn, phù hợp cho khách du lịch nói chung và dòng khách tàu biển nói riêng, như: Khu tắm khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, các điểm vui chơi ở Sunworld, city tour bằng xe bus 2 tầng…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Du lịch và các doanh nghiệp, để thu hút khách tàu biển, địa phương cần đặc biệt quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cũng như giữ được nét riêng cho các sản phẩm, điểm đến.
Đơn cử như: Điểm đến Bản người Dao, Khu Bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long) cần quan tâm tới hệ thống đường giao thông; gìn giữ được giá trị vốn có, sưu tầm, tìm kiếm nhiều hiện vật để du khách có thể khám phá hết những nét đặc sắc văn hóa người Dao khi đến đây.
Bản làng người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) thu hút khách tàu biển, tuy nhiên cần được quan tâm đầu tư nhiều về hạ tầng.
Với hành trình Hạ Long – Bái Tử Long, cảng Vũng Đục dù có hệ thống giao thông thuận lợi, hoạt động tổ chức trong hang thú vị nhưng cần khẩn trương xây dựng đồng bộ công trình phụ trợ như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh cũng như tính toán hành trình đi về bằng ô tô trải nghiệm đường bao biển Cẩm Phả – Hạ Long đảm bảo thời gian cho du khách…
Có như vậy, Quảng Ninh mới thực sự tạo ra sức hút, những điểm cộng để thu hút nhiều hơn du khách tàu biển trong các mùa du lịch tàu biển sắp tới. Điều này không chỉ tạo nét mới, sức hút cho khách tàu biển mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế của tỉnh.