Ở vùng đất Hạ Long, các trầm tích văn hóa được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống hàng nghìn năm qua, tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng về loại hình, giàu có về giá trị, đặc sắc về nội dung, hiện hữu sinh động qua những huyền tích, đền, miếu, văn bia, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của cộng đồng cư dân nơi đây. Các giá trị di sản này là lợi thế nếu có thể bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa yêu cầu bảo tồn với phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Theo thống kê, trên địa bàn TP Hạ Long hiện có gần 100 di tích lịch sử – văn hóa các loại, phản ánh sự kế tiếp lịch sử từ khi con người xuất hiện ở vùng đất này cách đây hàng ngàn năm về trước cho tới ngày nay. Đồng thời, có 11 lễ hội văn hóa truyền thống, xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng, phản ánh đặc điểm sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, như thờ cúng Tổ tiên, thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh…
Cùng với đó, TP Hạ Long còn có nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, ẩm thực đặc sắc, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần định vị thêm cho Hạ Long nguồn tài nguyên giàu giá trị, là lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch lễ hội, ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trải nghiệm…
Trong những năm qua, việc khai thác giá trị cảnh quan của Vịnh Hạ Long được làm rất tốt, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch hàng năm. Các di tích như chùa Long Tiên, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn và lễ hội hằng năm cũng là những điểm đến của nhiều người dân, du khách. Gần đây, thành phố cũng bắt đầu triển khai phát triển sản phẩm du lịch tại các xã vùng miền núi phía Bắc thành phố nhằm khai thác giá trị cảnh quan, văn hoá đặc sắc của đồng bào nơi đây.
Dù vậy nhưng qua thực tế và đánh giá của lãnh đạo địa phương cho thấy, ngoại trừ di sản Vịnh Hạ Long thì đa số các điểm di tích văn hóa khác của thành phố chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị lịch sử của di tích. Công tác tuyên truyền giáo dục, quảng bá về các di sản chưa thường xuyên, liên tục tạo sức hút đối với nhân dân và du khách. Công tác quản lý nhà nước đối với các di tích chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ làm công tác văn hóa còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thành phố đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm nay, từ việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền cho tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý bảo tồn di sản, phát triển du lịch.
Thành phố cũng sẽ ưu tiên nguồn lực cho việc lập quy hoạch, đầu tư các công trình di sản mà trước mắt là quy hoạch dự án cải tạo, mở rộng đền thờ vua Lê Thái Tổ tại xã Lê Lợi và triển khai dự án tôn tạo, mở rộng khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn và quảng trường, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật kết nối Khu văn hóa núi Bài Thơ (phường Hồng Gai), tạo điểm nhấn kết nối sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh nơi đây.
Tiếp tục nghiên cứu, chuẩn hoá trong bài trí thờ tự các đền, chùa và tổ chức các lễ hội quy mô lớn, lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sưu tầm, ghi chép, phục dựng các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa có giá trị của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc các xã vùng cao khu vực phía Bắc của thành phố. Khai thác hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm, động lực kết nối lên địa bàn các xã vùng cao để phát triển du lịch, dịch vụ khu vực này.
Cùng với đó, hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực… để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Hạ Long theo hướng có yếu tố đặc sắc, mang được văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa. Từ đó hướng tới việc xây dựng thành phố của Di sản, Kỳ quan và văn hóa ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế…