Nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm trung bình là 0,2%.
Ngày 30/11, Ngân hàng Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank vừa giảm thêm lãi suất gửi tiết kiệm, kéo mặt bằng lãi suất đầu vào xuống mức thấp kỷ lục. Chỉ trong hơn 1 tháng qua, ngân hàng này đã 3 lần giảm lãi suất huy động.
Với mức điều chỉnh mới, Vietcombank là ngân hàng có lãi suất huy động có kỳ hạn thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước khi lãi suất dưới 5 tháng cao nhất là 2,7%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 2,4%/năm. Lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng của Vietcombank giảm 0,2 điểm % xuống 3,7%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 4,8%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Đối với 3 ngân hàng thương mại nhà nước khác là BIDV, VietinBank và Agribank, đến cuối ngày 30/11, lãi suất tiền gửi cao nhất cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên duy trì ở mức 5,3%/năm, giảm từ mức 5,5%/năm.
Theo khảo sát, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 6%/năm. Tại ACB, mức lãi suất huy động tối đa ngân hàng này áp dụng là 4,9%/năm, thấp hơn cả một số ngân hàng trong nhóm Big 4.
Tại VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng chỉ có lãi suất cao nhất là 5,4%/năm. Trong khi đó, Techcombank đã giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống còn 5,2%.
Các chuyên gia cho rằng, do tăng trưởng tín dụng rất chậm nên các ngân hàng không gặp phải áp lực huy động vốn, dẫn đến việc liên tục hạ lãi suất huy động. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, mới đạt hơn một nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.
Ngoài ra, dù lãi suất huy động giảm sâu, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng khá tốt trong 9 tháng đầu năm.
Số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Trong 9 tháng đầu năm, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp cũng đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022. Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm.
Tiền gửi tăng tốt, nhưng khó cho vay khiến hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trong trạng thái dư thừa thanh khoản.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức điều chỉnh tăng trưởng cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu đã được thông báo, sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm, dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.