Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa dứt đà giảm.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, giảm đồng loạt từ 0,1 – 0,2%/năm lãi suất tất cả kỳ hạn gửi tiền.
Hiện BIDV điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm từ 1,9%/năm xuống 1,7%/năm; kỳ hạn 6 – 9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm; kỳ hạn 12 – 18 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm; kỳ hạn 24 – 36 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,8%/năm.
Sau lần điều chỉnh này, lãi suất huy động cao nhất tại BIDV đã xuống dưới mốc 5%/năm, tương đương với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Cụ thể, tại Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng hiện còn 1,6%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng là 1,9%/năm; kỳ hạn 6 – 9 tháng là 3%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 4,7%/năm.
Còn tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 2 tháng là 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 2%/năm; kỳ hạn 6 – 9 tháng là 3%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 4,7%/năm.
Như vậy, trong nhóm các ngân hàng lớn “Big 4”, chỉ còn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) niêm yết lãi suất cao nhất ở mức 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Lãi suất huy động các kỳ hạn khác tại VietinBank hiện cũng cao hơn 3 ngân hàng trên từ 0,1 – 0,2%/năm.
Xu hướng giảm lãi suất huy động còn xuất hiện ở nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)…
Tại PGBank, lãi suất tiết kiệm giảm tới 0,3%/năm đối với kỳ hạn 1 – 3 tháng xuống còn dao động từ 2,6 – 3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 12, 13 và 18 tháng cũng có bước giảm tương tự, xuống dao động từ 4,3 – 4,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 – 9 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn 4%/năm.
Tại MB, lãi suất các kỳ hạn giảm từ 0,1 – 0,2%/năm so với trước. Hiện MB áp dụng lãi suất từ 2,3 – 2,5%/năm cho tiền gửi từ 1- 3 tháng; từ 3,5 – 3,6%/năm cho tiền gửi từ 6- 9 tháng; từ 4,6 – 4,7%/năm cho tiền gửi từ 12 – 18 tháng. Lãi suất cao nhất tại MB đang là 5,6%/năm cho kỳ hạn từ 24 – 60 tháng.
Tại ACB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1%/năm xuống còn từ 4,7 – 4,85%/năm tùy theo số dư tiền gửi dưới 200 triệu đồng, từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hay từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.
Tương tự, SCB cũng giảm lãi suất huy động nhiều kỳ hạn xuống mức gần như thấp nhất thị trường. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm còn 1,65%/năm; kỳ hạn 3 – 5 tháng còn 1,95%/năm. Các mức này chỉ cao hơn lãi suất huy động cùng kỳ hạn tại Agribank 0,05%/năm.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn áp dụng chính sách lãi suất đặc biệt cho các khoản tiền gửi lớn như Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)…
Trong số này, lãi suất huy động cao nhất lên đến 10%/năm, áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên tại PVcomBank. Kế tiếp là mức lãi suất đến 9,65%/năm tại ABBank, áp dụng cho tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng Giám đốc. MSB áp dụng lãi suất 8,5%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 – 13 tháng, số dư từ 500 tỷ đồng.
Dù lãi suất huy động đã liên tiếp giảm và giảm mạnh trong cả năm qua, nhưng lượng tiền gửi ngân hàng vẫn rất lớn. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023 trong khi lượng tiền gửi đạt 14 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023 nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao.
Theo Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể tiếp tục hạ, ít nhất là trong quý đầu năm nhằm tạo dư địa giảm thêm lãi suất cho vay giúp khôi phục, phát triển kinh tế. Sang đến nửa sau của năm 2024, diễn biến có thể đảo chiều.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tiếp tục giữ ổn định ở mức thấp vì nhu cầu huy động vốn cũng như cầu về tín dụng trong những tháng đầu năm chưa cao.
“Lãi suất huy động tuy khó giảm thêm nhưng lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm tiếp. Sau đó, khi hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn, nhu cầu vốn tăng, có thể lãi suất ngân hàng cũng sẽ tăng với cả huy động và cho vay”, ông Thịnh đánh giá.
Trước diễn biến liên tục giảm của lãi suất ngân hàng, các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng có thể nhu cầu tìm kiếm tài sản sinh lời khác thay cho tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng cao.
Tuy vậy, nhiều ý kiến nhận định trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… chưa thật sự khởi sắc nên gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng vẫn là một trong những kênh đầu tư an toàn đối với nhiều người.