Lãi suất huy động giảm sâu, một dòng tiền sẽ đổ vào bất động sản, chứng khoán đang chạm đáy, tích cực hơn, lượng lớn tiền sẽ được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế hiện nay.
Dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, kết thúc quý III, bức tranh chung của toàn ngành ngân hàng vẫn chưa sáng màu khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.
Đến cuối tháng 9, tín dụng mới tăng 5,91%. Tuy nhiên, bước sang tháng 11, có đến 16 ngân hàng đã hạ lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng giảm xuống mức 2,6%/năm.
Trước câu hỏi lãi suất huy động của ngân hàng giảm sâu ở mức kỷ lục, cuối năm dòng tiền sẽ đổ vào đâu, giới chuyên gia cho rằng, dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như: bất động sản, chứng khoán, vàng… và nhất là sẽ được lựa chọn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của người dân dịp cuối năm.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm ngân hàng.
Thay vào đó sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm, trong đó có việc đầu tư mua đất nền đang giảm sâu hoặc đầu tư mua các căn chung cư để cho thuê, để ở hoặc một dòng tiền khác sẽ đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vì cuối năm nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao.
“Như vậy, chắc chắn sẽ có một dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản, một dòng tiền đổ vào đầu tư cho sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm, khi mà lãi suất huy động của ngân hàng đang giảm sâu như hiện nay. Đây là một tín hiệu khá tích cực, giúp cho nền kinh tế từng bước hồi phục”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng đua nhau giảm để khẳng định rằng, người dân đừng kỳ vọng vào gửi tiết kiệm. Theo đó, dòng vốn sẽ chuyển dịch sang các lĩnh vực khác, hỗ trợ nền kinh tế.
TS Lê Duy Bình cho biết, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, qua đó để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
“Việc các ngân hàng hạ lãi suất cho thấy họ đang đi đúng hướng nhằm kích thích một dòng vốn đổ ra thị trường, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển hàng hoá dịp cuối năm. Đây là một dấu hiệu tích cực nếu các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chớp cơ hội vay vốn đầu tư cho sản xuất”, ông Bình phân tích.
Trong khi đó, ông Đặng Trần Phục – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AZfin Việt Nam cho rằng, khi tiền gửi tiết kiệm giảm sâu như hiện này, nhiều khả năng dòng tiền cũng sẽ phân bổ vào kênh đầu tư hàng hoá.
“Khả năng cao là lượng tiền gửi ở kênh tiết kiệm vẫn chưa bị rút hẳn. Nói cách khác, đây là một trong những kênh chiếm tỷ trọng cao thu hút dòng tiền, một lượng đáo hạn sắp tới. Ở giai đoạn hiện nay, có thể mức độ tâp trung sẽ không còn nhiều bởi có sự phân tán bởi kênh đầu tư hàng hoá. Bởi những căng thẳng chính trị thế giới đang tạo nên một làn sóng mới cho diễn biến giá dầu, giá vàng. Thì tôi cho rằng, khả năng cao dòng tiền cũng sẽ phân bổ vào kênh này”, ông Phục nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đâu tư phải đa dạng hóa các kênh đầu tư, dịch chuyển dòng tiền từ lĩnh vực có tỷ lệ sinh lời thấp sang tỷ lệ sinh lời cao là điều tất yếu.
Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư có “khẩu vị” khác nhau. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, dù lãi suất thấp kênh tiết kiệm vẫn là một trong những kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi tính ổn định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức tài chính, kinh tế nhất định, đảm bảo sự cân đối giữa mức sinh lời và nguy cơ rủi ro của từng kênh đầu tư, lựa chọn đúng kênh đầu tư, đúng chuyên môn, khả năng và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược để hạn chế rủi ro khi đầu tư.
Ngân hàng giảm sâu lãi suất huy động
Mới nhất, trong nhóm Big4 có Vietcombank vừa điều chỉnh lãi suất huy động, với kỳ hạn 1-2 tháng giảm xuống mức thấp kỷ lục 2,6%/năm.
Tại biểu lãi suất huy động trực tuyến của Vietcombank, lãi suất đối với kỳ hạn từ 1 đến 11 tháng giảm 0,2%/năm; kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng giảm 0,1%/năm. Kỳ hạn 3-5 tháng 2,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng, giảm 0,2%/năm, còn 3,9%/năm. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietcombank là kỳ hạn 12-24 tháng, với 5%/năm.
Hiện tại, Vietcombank đang có mức lãi suất huy động thấp nhất trong nhóm Big4 và cũng là thấp nhất thị trường.
PVCombank cũng vừa giảm mạnh lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 3,65%/năm. Kỳ hạn 6-9 tháng cũng được giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm xuống còn 5,6%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn còn lại cũng được điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Kỳ hạn 12 tháng cũng đã mất mốc trên 6% để lùi về 5,6%/năm. Lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 18-36 tháng từ 6,5% về 6%/năm.
Ngân hàng VietBank giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn 15-36 tháng. Lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn này đồng loạt giảm xuống còn 6,2%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dưới 15 tháng giữ nguyên và đều ở mức dưới 6% sau lần điều chỉnh vào ngày 7/11.
Như vậy, kể từ đầu tháng 11 đến nay, đã có tới 16 ngân hàng giảm lãi suất huy động là ACB, Bắc Á Bank, Bảo Việt Bank, Đông Á Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, NCB, Techcombank, PG Bank, PVCombank, SHB, Sacombank, VIB, VietBank, VPBank và Vietcombank.