Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay đã giảm hơn 2,5% so với cuối năm 2022.
Mới đây, các ngân hàng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã tiếp tục giảm lãi suất huy động, với mức thấp nhất còn 1,9% cho kỳ hạn dưới 3 tháng. Việc các ngân hàng Big 4 tiếp tục giảm lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ lan tỏa tới các ngân hàng thương mại cổ phần, từ đó tạo tiền đề để mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng trong năm vừa qua, khi mức lãi suất cho các khoản vay của họ đã giảm từ 3 – 4% so với cuối năm 2022. Do mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt, khiến doanh nghiệp tự tin vay thêm vốn để phục vụ kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm nay.
Còn Ngân hàng Agribank ngay từ đầu năm nay đã điều chỉnh chính sách lãi suất cho các khoản vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, với mức lãi suất cố định chỉ từ 7,0%/năm, thời gian áp dụng được nới rộng từ 12 tháng lên 24 tháng. Mức lãi suất này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay đã giảm hơn 2,5% so với cuối năm 2022. Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác của Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia cũng dự đoán mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cho biết: “Tôi đánh giá mức lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục có thể giảm thêm. Vì lãi suất tiết kiệm vẫn đang ở mức thấp, lãi suất tiết kiệm thường hạ trước và nhanh hơn, nên lãi suất cho vay thường sẽ hạ chậm hơn thường là 6 tháng, như vậy lãi suất cho vay vẫn còn dư địa hạ xuống thêm 0,5 – 1% nữa”.
Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí như ứng dụng công nghệ thông tin hay cắt giảm các loại phí để tạo thêm dư địa hạ mặt bằng lãi suất.