Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, tháng 10 đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ cho sản xuất, mở rộng thị trường từ các bộ, ngành, các chuyên gia kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ tăng tốc.
Tín hiệu hồi phục
Theo Báo cáo sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2023 của Bộ Công Thương mới đây, giá trị sản xuất trong 10 tháng đã có sự phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (8 tháng trước đó liên tục đạt mức tăng trưởng âm).
Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng IIP trong tháng 10 là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây (kể từ tháng 4/2023 đến nay). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.
Tuy nhiên, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 10 tháng, IIP tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), là mức lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung, suy giảm xuất khẩu ngày càng được thu hẹp khi 10 tháng giảm 7,1% so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Tính chung 10 tháng, mức giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chỉ bằng 50% mức giảm của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (giảm 4,1% so với mức giảm 8,1%) cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu, là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng (tăng 3,8%)…
Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (Hansiba), dù đã có những khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ của các doanh nghiệp, nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước…
Do vậy, đại diện Hansiba cho rằng, để thực sự đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, các chính sách cần tập trung vào giải quyết các vướng mắc, khó khăn còn tồn tại trong một số vấn đề như nguồn vốn tài chính, xúc tiến thương mại và đầu tư, nguồn nhân lực, công nghệ, khởi nghiệp lập nghiệp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Quyết liệt để tăng tốc
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ đang tập trung những giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp.
Trong thời gian qua, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm lãi suất. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Vân cho hay, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm. “Chúng tôi đánh giá điều này sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí….; từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước”.
Bản thân các doanh nghiệp công nghiệp, cơ khí cũng đang dồn lực cho hoạt động sản xuất những tháng cuối năm… Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, công nghiệp chế tạo đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh. Cùng đó là chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh.
“Chúng tôi đã đẩy nhanh quá trình “số hóa”, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, theo tiêu chuẩn 5S để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. nhờ đó, đến nay công ty vẫn đang có được những bạn hàng quan trọng. SKD đã đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất từ quý III/2023 khi có thêm được nhiều đơn hàng mới cho quý IV/2023 và đầu năm 2024. Tuy vậy, nếu tiếp tục nhận được hỗ trợ thiết thực trong lãi suất, tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp sẽ dễ dàng “đón đầu” phục hồi”, ông Kết nói.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng… Từ đó, giúp sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo trong nước tăng tốc về cuối năm.