Năm 2025, dù nhu cầu toàn cầu được dự đoán sẽ suy yếu, trong khi cạnh tranh gia tăng giữa các nước sản xuất, nhưng vẫn có những kỳ vọng cho ngành hàng chủ lực này.
Nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu gạo năm 2025
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo, thu về 5,67 tỷ USD, giữ vững vị thế top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong năm mới 2025, dù nhu cầu toàn cầu được dự đoán sẽ suy yếu, trong khi cạnh tranh gia tăng giữa các nước sản xuất, nhưng vẫn có những kỳ vọng cho ngành hàng chủ lực này.
Chất lượng gạo Việt đã được nâng cao, kéo theo giá bán tăng. Năm ngoái, gạo nước ta xuất khẩu bình quân 628 USD/tấn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia… Mặt khác, Nghị định 01 sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ đầu tháng 3 tới được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu gạo khởi sắc hơn.
Gia tăng giá trị hạt lúa mùa
Nâng cao chất lượng hạt gạo là giải pháp tất yếu để nâng cao thu nhập cho chính những người nông dân. Và những ngày Xuân, bà con nông dân đều mong có niềm vui thắng lợi trên chính mảnh ruộng của mình. Cùng với mong muốn đó, tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, có một người dành cả niềm đam mê, tình yêu đối với cây lúa mùa, bởi đó không chỉ là loại cây gắn bó với ông từ thuở thiếu thời, mà còn chứa đựng nền văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là cách để người nông dân có thể khai thác thêm du lịch, gia tăng giá trị cho hạt lúa từ cánh đồng quê hương mình.
Mùa xuân cũng là lúc lúa trên thửa ruộng này oằn bông chín. Điều đặc biệt ở đây, là những cây lúa mùa tưởng chừng đã mai một hàng chục năm qua, nay lại được tái hiện tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Từng bông lúa trĩu hạt là sự kết tinh của phù sa vùng châu thổ và có cả tình yêu của một người nặng lòng với lúa – người mà bà con nông dân hay gọi vui là “Ông Tư lúa mùa”.
Với mong muốn mang nét văn hóa lúa mùa từng tồn tại hàng trăm năm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu đến nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, ông Tư lúa mùa đã dày công tái hiện với đầy đủ quy trình từ khâu làm đất đến khi thu hoạch.
Hành trình tìm lại cây lúa mùa của ông Tư Việt, không chỉ là câu chuyện về tình yêu với lúa mùa mà chính điều này đã mang đến cho du khách những trải nghiệm nông nghiệp thú vị.
Du lịch gắn với nông nghiệp và tài nguyên bản địa không những mang lại thu nhập tốt hơn cho bà con trồng lúa, gia tăng giá trị hạt gạo, mà còn góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, đồng thời bảo tồn được những giá trị văn hóa đáng tự hào của vùng châu thổ Cửu Long.
Những đổi thay từ mô hình lúa – tôm
Như vậy, gạo chất lượng cao sẽ là thế mạnh của Việt Nam trong năm nay. Thực tế, những đơn hàng trên 1.000 USD/tấn không quá xa lạ với các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi thị trường luôn có nhu cầu với phân khúc cao cấp. Còn với người nông dân – chủ thể quan trọng làm ra hạt gạo, bà con chỉ cần được chuyển giao quy trình, liên kết bao tiêu. Đây chính là động lực để chất lượng và giá trị của hạt gạo được đảm bảo; qua đó mở ra cơ hội xuất khẩu bền vững.
Anh Trần Quốc Việt – Huyện Phước Long, Bạc Liêu cho biết: “Xài hữu cơ này vừa trúng lúa, tôm, cá, năm nay ăn Tết khấm khá”.
Ăn Tết lớn cũng phải, bởi trong lúc giá lúa gạo đang sụt giảm, anh Việt vẫn bán được 11.500 đồng/kg và được doanh nghiệp cộng thêm 600 đồng/kg nhờ tuân thủ đúng quy trình, chất lượng hạt gạo đảm bảo. Cũng là mô hình lúa – tôm, nhưng chính nông dân đã thấy rõ sự đổi thay trên cánh đồng.
Anh Lê Văn Liêm – Giám đốc Hợp tác xã Long Hải, tỉnh Bạc Liêu nêu nhận định: “Trước một công chi phí khoảng 2,7 – 3 triệu theo quy trình. Theo quy trình hữu cơ nhẹ thì chi phí một công dao động từ 2,2 – 2,5 triệu, giảm từ 200.000-300.000 đồng một công”.
Một nghiên cứu độc lập về mô hình lúa – tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thực hiện cho thấy, nếu chỉ trồng các giống lúa đặc sản như ST, lợi nhuận trung bình 656 USD/ha/năm; tăng lên 1.353 USD/ha/năm nếu chỉ nuôi tôm sú. Và nếu thực hiện kết hợp, mức lợi nhuận trung bình lên tới 2.650 USD/ha/năm. Vấn đề còn lại là vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối nông dân và thị trường.
Anh Nguyễn Việt Trường – Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Quế Lâm phương Nam cho biết: “Tạo an tâm cho nông dân bằng cách hỗ trợ vật tư, phân bón. Và mua với giá thành so với thị trường cao hơn từ 500 – 700 đồng/kg”.
Ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đưa ra nhận định: “Doanh nghiệp phải làm đầu tàu để dẫn dắt bà con nông dân thành chuỗi giá trị. Bởi có hai yếu tố rất quan trọng, một là chất dinh dưỡng hữu cơ ở đâu, để cho bà con nông dân làm nông nghiệp hữu cơ kinh tế tuần hoàn. Thứ hai, phải có công nghệ, phải có kỹ thuật”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, con số 140.000 ha của mô hình lúa – tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới, góp thêm hạt gạo chất lượng cho phân khúc thị trường cao cấp. Còn ở miền Tây những ngày đầu xuân, chính quy trình canh tác mới đã mang về sức sống mới cho ruộng đồng.