Trước khi “Oppenheimer” gây chấn động điện ảnh thế giới, đạo diễn Christopher Nolan từng chỉ đạo bộ 3 phim Batman với những dấu ấn và kỷ lục ấn tượng.
Ra mắt các năm 2005, 2008 và 2012, bộ 3 phim Batman của Christopher Nolan được coi là những tác phẩm quan trọng của điện ảnh thế giới, thiết lập những kỷ lục ấn tượng và tạo ra di sản cho các tác phẩm sau này.
Bộ 3 phim này đang được chiếu lại tại các rạp ở Việt Nam.
Dấu ấn franchise: Lần đầu tiên một phim riêng về Batman không có từ “Batman” trong tựa đề
Từ một nhân vật truyện tranh siêu anh hùng, Batman trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng toàn cầu với số lượng người hâm mộ khổng lồ.
Những sản phẩm phái sinh từ hình tượng Batman có thể thấy ở khắp nơi như: Phim điện ảnh, phim truyền hình, đồ chơi, quần áo, phụ kiện thời trang… mang về lợi nhuận khổng lồ.
Trong bộ ba phim về Batman của đạo diễn thiên tài Christopher Nolan, phần phim khởi đầu vẫn giữ tên “Batman” trong tựa đề, nhưng ở 2 phần phim tiếp theo, đạo diễn đã bỏ từ khóa ăn khách đó để thiết lập một tên gọi mới gắn với thương hiệu của chính ông: The Dark Knight – Kỵ sĩ bóng đêm.
Chia sẻ về sự thay đổi này, tài tử thủ vai Batman – Christian Bale cho biết, đây là một dấu hiệu cho thấy, phiên bản Batman của anh và đạo diễn Christopher Nolan hoàn toàn khác biệt.
Dấu ấn công nghệ: Lần đầu tiên một phim điện ảnh được quay bằng máy quay IMAX
Christopher Nolan nổi danh với sự kỹ tính và táo bạo, đặc biệt trong phần hình ảnh của các bộ phim. Những câu chuyện về quá trình làm phim của ông đã trở thành giai thoại ở điện ảnh thế giới, như việc Nolan từng cho nổ tung một chiếc Boeing 747 khi làm phim “Tenet” hay trồng cả một cánh đồng ngô để thực hiện vài phân đoạn trong “Interstellar”, thì khi thực hiện “The Dark Knight”, ông cũng có những quyết định táo bạo.
Ở thời điểm đó, mặc dù các rạp chiếu IMAX đã được đưa vào sử dụng nhưng hầu như tất cả các bản phim chiếu bằng định dạng IMAX đều được làm lại từ bản phim quay bằng máy 35mm. Cách thức này sẽ cho độ phân giải lớn hơn nhưng các thước phim sẽ kém chi tiết hơn.
Với “The Dark Knight”, Christopher Nolan lần đầu tiên tạo ra một bộ phim điện ảnh sử dụng camera IMAX chuyên dụng, đòi hỏi các thiết bị tân tiến và tốn kém hơn rất nhiều.
Khi đó, hãng Warner Bros Pictures đã ra hẳn một thông cáo báo chí, gọi quyết định của Nolan là “một bước đi chưa từng có tiền lệ”, “đánh dấu màn kết hợp mang tính cách mạng của 2 định dạng phim 2D và IMAX 2D”. Hãng cũng giải thích, các cảnh quay bằng máy IMAX sẽ giúp tỉ lệ màn hình chuyển về 1.43:1, khiến cho hình ảnh tràn ra toàn màn hình.
Dấu ấn kinh tế: Tạo ra hàng ngàn việc làm, có doanh thu cao nhất lịch sử
Cả 2 phần “Batman Begins” và “The Dark Knight” đều được quay tại thành phố Chicago. Để tránh sự chú ý, dự án được đặt mật danh là “Rory’s First Kiss”, nhưng sớm bị giới truyền thông và người dân phát hiện.
Có thông tin cho rằng, dự án “The Dark Knight” đã thuê 390 nhân công địa phương, 250 diễn viên quần chúng và hơn 3.900 nhân công từ nơi khác, tạo ra hàng ngàn việc làm và đóng góp 45 triệu USD cho kinh tế địa phương.
Với doanh thu hơn 1 tỉ USD toàn cầu ở thời điểm ra mắt năm 2008, “The Dark Knight” là tựa phim thứ 5 trong lịch sử vượt mốc doanh thu này, là phim siêu anh hùng đầu tiên làm được điều đó.
Trong đội ngũ những người sản xuất, bên cạnh Christopher Nolan và Christian Bale, có một cái tên khác đã trở thành tượng đài trong lòng khán giả – Heath Ledger với vai phản diện vĩ đại “Gã hề Joker”.
Qua đời trước thời điểm phim ra mắt, Heath Ledger chẳng có cơ hội nâng cao hơn 20 chiếc cúp tôn vinh tài năng diễn xuất của anh, trong đó có 4 tượng vàng Diễn viên phụ xuất sắc nhất tại các lễ trao giải Oscar, Quả Cầu Vàng, SAG và BAFTA.
Màn hóa thân của Heath Ledger trong vai Joker cho tới nay vẫn mang tầm ảnh hưởng lớn với điện ảnh thế giới, là một trong những vai phản diện được khán giả yêu mến nhất, một nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ diễn viên sau này.