Sau phiên tọa đàm thảo luận về tiềm năng, thách thức nuôi trồng thủy sản biển và các giải pháp phát triển bền vững nuôi biển, Hội nghị “Phát triển nuôi biển bền vững, nhìn từ Quảng Ninh” đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận nghiên cứu hợp tác thúc đẩy phát triển nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh; trao giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển trên địa bàn tỉnh và bế mạc hội nghị. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển nuôi biển giai đoạn 2024-2025 giữa tỉnh Quảng Ninh với 7 đơn vị, gồm 4 viện nghiên cứu và 3 doanh nghiệp. Thông qua ký kết bản ghi nhớ, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các mô hình kinh tế thủy sản biển công nghiệp, hiện đại.
Tiếp đó, các đại biểu đã chứng kiến Lễ trao giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là một cố gắng tích cực trong thời gian ngắn qua và khẳng định các thủ tục hành chính đã được tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rút gọn, đơn giản hóa về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong 2 ngày, hội nghị phát triển nuôi biển bền vững, nhìn từ Quảng Ninh đã diễn ra nhiều hoạt động rất ấn tượng và ý nghĩa. Đặc biệt, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, thể hiện tầm nhìn xa vì một tương lai xanh của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ý kiến tham gia góp ý, tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả phát triển thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Việc phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ gắn với các quan điểm: Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, đảm bảo hài hòa; phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; bố trí, sắp xếp nuôi lồng bè và nhuyễn thể an toàn, khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; có chính sách hỗ trợ ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ven bờ chuyển đổi sang nghề nuôi biển, dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc phi nông nghiệp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các địa phương ven biển thực hiện quản lý hiệu quả, khai thác ổn định bền vững 45.000 ha mặt biển đã được quy hoạch; quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành thủy sản; đồng thời, phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ khoa học – công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho người lao động.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, bao gồm thị trường nội địa ở khu vực miền Bắc, đồng bằng Sông Hồng, nội tỉnh và thị trường khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan; có kế hoạch sản xuất trung hạn và hằng năm để đáp ứng nguồn cung phù hợp với cầu của thị trường.
Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ngành Nông nghiệp hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng tạo nguồn vốn ổn định đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi biển. Ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản. Đối với các doanh nghiệp, HTX và các hộ nuôi biển được Nhà nước cấp phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển, phải tổ chức sản xuất liên kết để tạo hiệu quả về vốn đầu tư, tổ chức sản xuất đoàn kết để tạo ra môi trường biển sạch và xanh để nâng cao chất lượng thủy sản do mình sản xuất ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu phải triển khai thực hiện có hiệu quả Chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh lĩnh vực thủy sản trong năm 2024 và các năm tiếp theo tạo thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hình thành hệ thống sản xuất – logistics thủy sản hiện đại trên địa bàn tỉnh gắn với hệ thống xuất khẩu chung của cả nước.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các đại biểu đi tham quan Triển lãm giới thiệu thành tựu công nghiệp, thiết bị nuôi biển, sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản tỉnh Quảng Ninh.