“Kính vạn hoa” bản điện ảnh (đạo diễn Võ Thanh Hòa) có màu sắc mới với dàn diễn viên gen Z, song mang nội dung khiên cưỡng về tình bạn.
Tác phẩm ra mắt sau 20 năm phim truyền hình (đạo diễn Nguyễn Minh Chung) gây tiếng vang, trở thành ký ức tuổi thơ của đông đảo khán giả. Ở bản chiếu rạp, Võ Thanh Hòa chọn lát cắt từ hai tập truyện Bắt đền hoa sứ và Con mả con ma của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhiều chi tiết biến tấu so với kịch bản gốc.
Phim mở đầu bằng cuộc sống hiện tại của bộ ba bạn thân – Quý Ròm (Ngọc Trai), Tiểu Long (Vũ Long), nhỏ Hạnh (Anh Đào). Ở độ tuổi ngoài 30, họ gác lại nhiều hoài bão thời bé vì áp lực cơm áo gạo tiền. Quý Ròm thất nghiệp, ở nhà làm nội trợ, chăm con nhỏ. Tiểu Long chật vật với công việc văn phòng, doanh số không đủ chỉ tiêu. Nhỏ Hạnh miệt mài sáng tác truyện thiếu nhi nhưng nhà xuất bản cho rằng không hợp thời.
Gặp nhau ở ngôi trường Tự Do một thời, cả ba ôn kỷ niệm dịp nghỉ hè cuối cấp hai năm 2004. Ba nhân vật chính tuổi mới lớn (Hùng Anh, Nhật Linh, Phương Duyên đóng) có chuyến đi chơi xa ở quê Tiểu Long. Nhóm bạn mâu thuẫn với các thủ lĩnh xóm Trên, xóm Dưới như Tắc Kè Bông, Dế Lửa, phải quyết đấu để so tài, từ đó học cách nhẫn nhịn. Cùng lúc, giai thoại về con ma trên đồi Cắt Cỏ thu hút sự hiếu kỳ, khiến nhóm bạn lên kế hoạch điều tra. Nhìn chung, nội dung phim hướng đến giá trị tình bạn và sự kiên trì theo đuổi giấc mơ.
Với những ai từng theo dõi phim truyền hình, Kính vạn hoa bản điện ảnh có một số chi tiết gợi hoài niệm. Nhiều phân đoạn được lấy cảm hứng từ truyện gốc, như việc Quý Ròm còn giữ chiếc cúp – vốn là phần thưởng của bộ ba trong trò giải mật mã với nhóm Mèo Rừng, Hải Âu ở tập Thám tử nghiệp dư. Hoặc một nhân vật nhắc đến biệt hiệu “thi sĩ Bình Minh” nổi tiếng của Quý Ròm, ở tập Thi sĩ hạng ruồi.
Các lời thoại, tình tiết quen thuộc trong bản cũ được tái hiện, như câu nói “ngồi xuống, uống miếng nước, ăn miếng bánh” của Tiểu Long, hay tính hậu đậu của nhỏ Hạnh. Giai điệu Đón ánh mặt trời – ca khúc trong tác phẩm truyền hình, được làm mới qua giọng ca của Lương Bích Hữu – vang lên ở cuối phim, gợi cảm giác bồi hồi.
Phim có phần hình ảnh bắt mắt, tươi sáng khi khắc họa cuộc sống làng quê giữa thập niên 2000. Đạo diễn sử dụng nhiều cú máy giàu tính duy mỹ để đưa vùng nông thôn Phú Yên lên màn ảnh rộng, như phân đoạn nhóm bạn ngắm đồi núi từ trên cao, cú fly-cam khi các nhân vật băng qua đập nước. Cảnh trí, đạo cụ cũng là một trong những nỗ lực của êkíp để đưa người xem trở về bối cảnh 20 năm trước. Đó là chiếc tivi đời cũ chiếu vở cải lương Hoàng hậu không đầu, hay tiệm internet ba nghìn đồng một giờ.
Hạn chế lớn nhất của phim là kịch bản kém thuyết phục. Để tăng cao trào cho tác phẩm và tạo khác biệt với bản truyền hình, biên kịch vẽ ra tình huống nhóm bạn gặp mâu thuẫn. Nhỏ Hạnh, Tiểu Long muốn cả nhóm tận hưởng chuyến đi chơi như một kỷ niệm đẹp cho mùa hè cuối cấp. Sau đó, cả hai phát hiện Quý Ròm nhân dịp này thực hiện một bài thi viết văn, mục đích để giành giải, bèn quay sang trách cứ cậu. Quý Ròm phân trần rằng muốn chiến thắng cuộc thi vì trong ba người, chỉ có cậu chưa đoạt chiếc cúp nào.
Tuy nhiên, chi tiết này chưa đủ sức nặng để tạo kịch tính cho phim. Cảnh nhóm nhân vật cãi vã, bật khóc, quyết định “đường ai nấy đi” gượng gạo, khó gây xúc động. Một phân đoạn khác cũng bị cường điệu hóa, khi Quý Ròm đạp xe băng ruộng, vượt đồi, đuổi theo xe khách chở Hạnh, Tiểu Long để xin lỗi hai người bạn.
Thời lượng 120 phút, phim tạo cảm giác dài dòng do nội dung ôm đồm. Trong khi đó, nhiều tình huống bị giải quyết qua loa, như việc mẹ con Tắc Kè Bông hiểu tâm tư nhau hơn chỉ sau một câu nói của Hạnh. Về lời thoại, nhiều nhân vật trò chuyện còn đậm sách vở, chưa mang màu sắc ngôn ngữ đời thường. Xem suất chiếu tối 26/12, khán giả Nguyên Bình (TP HCM) cho biết hụt hẫng vì phim mắc nhiều “sạn”, phần thoại kém tính thực tế, mạch phim rời rạc.
“Đất” diễn của ba gương mặt chính ở độ tuổi gen Z thiếu sự đồng đều. Đạo diễn dồn nhiều phân đoạn quan trọng cho Quý Ròm và Tiểu Long, trong khi nhỏ Hạnh không có cảnh “đinh”. Do đó, Phương Duyên xuất hiện mờ nhạt hơn so với Hùng Anh, Nhật Linh, chỉ được nhớ đến qua cảnh khắc họa sở thích hủ tíu bò viên hay tật vụng về, làm vỡ chén bát. Trong hai tập truyện gốc, nhân vật Hạnh không góp mặt, do đó biên kịch phải nghĩ thêm tình tiết để đưa vào bản điện ảnh. Ba diễn viên chính bản truyền hình chỉ đóng ở đầu và cuối phim, gửi gắm thông điệp theo đuổi, chinh phục ước mơ.
Võ Thanh Hòa cho biết mất bốn năm ấp ủ ý tưởng cho phim. Đạo diễn không đặt nặng áp lực vượt cái bóng của bản cũ vì muốn tạo phiên bản của riêng anh, hướng đến công chúng tuổi mới lớn. Trước những ý kiến so sánh bộ ba của bản mới với phim truyền hình, anh nói chọn diễn viên dựa trên truyện gốc, thay vì căn cứ theo tiêu chí của tác phẩm trước. “Dù lần đầu đóng điện ảnh, các em thuyết phục tôi ở cách tập trung làm việc và tình yêu dành cho nhân vật”, anh nói.
Kính vạn hoa là truyện dài nhiều tập được Nguyễn Nhật Ánh sáng tác thập niên 1990-2000. Bộ truyện gồm 54 tập, xoay quanh những chuyện vui buồn trong giới học trò, những trò nghịch ngợm, bài học cuộc sống ý nghĩa. Truyện gồm ba nhân vật: Quý Ròm – thần đồng các môn Toán, Lý và Hóa của trường Tự Do, Tiểu Long – nam sinh huyền đai đệ nhị đẳng Taekwondo, tính hào hiệp, Hạnh – “bộ óc điện tử” của nhóm, ham đọc sách, tính dịu dàng, kiên nhẫn.
Năm 2004, bản truyền hình do đạo diễn Nguyễn Minh Chung, Đỗ Phú Hải chuyển thể lên sóng, tạo cơn sốt. Các diễn viên Ngọc Trai, Anh Đào, Vũ Long sau đó trở thành những gương mặt được yêu thích, nhiều đạo diễn săn đón.