Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý III đạt 7,4%. GDP 9 tháng tăng 6,82%.
7,4% là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý 3 vừa qua. Đạt được kết quả tích cực trên là nhờ nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, từ Trung Ương tới địa phương. Đặc biệt, ngay sau cơn bão số 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 để nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngoại trừ các năm có biến động nhiều do đại dịch COVID-19 trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023, thì mức tăng trưởng GDP 9 tháng đầu các năm khá ổn định, đều dao động khoảng từ trên 5% – 7%. Đến năm nay, GDP 9 tháng tăng 6,82%. Đây là minh chứng cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19.
Đầu tiên là nông nghiệp, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cơn bão số 3, khiến giá trị tăng thêm khu vực này trong 9 tháng tăng 3,2%. Tuy có thấp hơn những năm gần đây, nhưng nếu so sánh với trước đại dịch, đây vẫn là một tỉ lệ cao.
Thứ 2 là khu vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành kinh tế. Khu này trong 9 tháng qua duy trì đà tăng tích cực với tốc độ 6,95%, tương đồng với mức tăng của những năm trước đại dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành giá, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai. Chúng ta cũng đang bước vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm, các đơn vị phân phối đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch bình ổn hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
13h chiều, không phải giờ cao điểm nhưng tại một siêu thị vẫn tấp lập người đến mua sắm. Có khoảng 50 quầy thanh toán, hiện tại các quầy đang hoạt động hết công suất để phục vụ cho khách hàng. Mặc dù thao tác của các nhân viên rất nhanh, nhưng người tiêu dùng vẫn đang phải xếp hàng chờ đến lượt thanh toán. Đại diện siêu thị này cho biết mỗi ngày sẽ có hàng chục ngàn giao dịch tại đây, số lượng giao dịch tăng dần đều trong những tháng cuối năm.
Ông Lê Mạnh Phong – Giám đốc điều hành các cửa hàng siêu thị và đại siêu thị GO & Tops Market Hà Nội cho hay: “Tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là tiết kiệm nhiều hơn so với các giai đoạn trước, có thể thấy rõ trong cơ cấu giỏ hàng. Các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống thì có mức tăng trưởng rất là cao, ngược lại các nhóm không thiết yếu và phi thực phẩm thì có mức tăng trưởng kém hơn”.
Nhắm vào tâm lý ưu tiên các mặt hàng không thể thiếu, để đẩy mạnh doanh số, các hệ thống phân phối cũng ưu tiên tỷ trọng khuyến mại các mặt hàng này nhiều hơn, đang dạng kênh phân phối.
“Ưu đãi mỗi ngày, ưu đãi cuối tuần đặc biệt là các chương trình deal giá hời mua càng lớn ưu đãi càng nhiều. Chúng tôi có rất nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng”, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Nội chia sẻ.
“Chúng tôi có tạo những nhóm zalo online trên truyền thông để bàn việc ship hàng cho khách rất nhiều, chúng tôi cũng phân bổ nhân viên đi làm hết để ship hàng tận nơi”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Giám đốc siêu thị BRGMart 120 Hàng Trống cho biết.
Bộ Công thương cho biết từ nay đến cuối năm, các địa phương và các hệ thống phân phối sẽ liên tục cập nhật số lượng hàng hoá, giá cả và các chương trình kích cầu để phù hợp với từng địa bàn, từng thời điểm cao điểm trong năm.
Sản xuất khởi sắc nhờ nhiều động lực hỗ trợ
Cuối cùng, khu vực công nghiệp và xây dựng là điểm sáng của 9 tháng qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%, cao hơn nhiều so với mức 1,94% của cùng kỳ năm ngoái.
Trên thực tế, một số nhóm ngành sản xuất định hướng xuất khẩu tăng cao. Ví dụ như các doanh nghiệp ngành may, da giày tận dụng các thị trường nước ngoài như bất ổn ở Bangladesh, nhiều đơn hàng đã được chuyển sang cho các doanh nghiệp Việt. Ngay tại thời điểm này, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cũng đang hối hả sản xuất để chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm.
Thay vì phải là đơn hàng xuất khẩu từ 10.000 sản phẩm như trước, nay doanh nghiệp này nhận đơn hàng nhỏ bằng 1/10, từ 1.000 sản phẩm, nhưng yêu cầu chất lượng cao hơn. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất giúp doanh nghiệp đơn giản hóa quy trình, thay đổi kịp theo yêu cầu của các đơn hàng nhỏ. Nhờ vậy lượng đơn hàng hiện đã hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho hay: “Lợi thế chính là trong quá trình vừa rồi đơn hàng giảm, các doanh nghiệp cũng tái cấu trúc, thay đổi các cụm công nghệ. Ứng dụng công nghệ nên điều chỉnh, thích ứng được với các đơn hàng nhỏ. Đây là nguyên nhân chính chúng tôi nhận được đủ đơn hàng sản xuất”.
Qua 9 tháng, ngành dệt là một trong nhiều ngành công nghiệp trọng điểm ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Việc các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đầu tư vào công nghệ tự động hóa, đã giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu. Tăng cường được sức chống chịu trước sự biến động của thị trường thế giới.
Theo một số hiệp hội doanh nghiệp, có không ít doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng ổn định đến hết năm nay. Có trường hợp nhận đơn cho quý 1 năm sau.
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết: “Khi hiệu quả của doanh nghiệp được gia tăng hơn, mức lãi suất hiện nay cũng về mức độ tương đối ổn định, thì tôi nghĩ cuối năm hoặc sang năm, những doanh nghiệp có đầu tư về công nghệ và thương mại điện tử sẽ trở thành 2 yếu tố tạo động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng”.
Các chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp phục hồi tiếp tục được thúc đẩy. Như tại TP Hồ Chí Minh, chính quyền đã chuẩn bị nguồn ngân sách 1.500 tỷ đồng để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp để kích thích đầu tư.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương, các sở ngành đã thực hiện chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Hiện nay một số quận huyện đã làm đến lần thứ 2, thứ 3. Các chỉ tiêu của chương trình chúng tôi cơ bản đã gần hoàn thành, với những gói tín dụng ưu đãi cho các nhóm ngành cần hỗ trợ”.
Một trong những động lực để thúc đẩy sản xuất là Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi.
Chuyển dịch trọng tâm tăng trưởng
Tại cuộc họp báo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, để hướng đến mục tiêu tăng trưởng 7% của cả năm, cần có sự điều hòa trọng tâm tăng trưởng. Ví dụ khu vực nông nghiệp và du lịch bị ảnh hưởng thì công nghiệp, xây dựng sẽ tăng tốc. Hay là chuyển dịch tăng trưởng giữa các địa phương
Ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Các địa phương không bị ảnh hưởng và có tiềm năng thì cần phải chia sẻ, nỗ lực hơn để bù đắp lại những thiệt hại của các địa phương bị ảnh hưởng. Trong báo cáo chúng tôi đã kiến nghị với Thủ tướng, 2 địa bàn lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu tăng trưởng của 2 địa bàn này phấn đấu cao hơn thì sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng của cả nước”.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5 – 8%. Đây là một trong 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 7/10. Trong đó, tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.
Còn ở phía doanh nghiệp, họ cũng tự tin vào chính hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trích dẫn một số liệu của Tổng cục Thống kê. Trên 80% các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 4 tốt hơn hoặc ổn định so với quý 3. Một môi trường vĩ mô ổn định, một sự tự tin từ nội tại doanh nghiệp chính là những động lực cho nền kinh tế bứt tốc trong quý cuối năm.