Quá trình phục hồi hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước là những yếu tố quan trọng tạo đà cho tăng trưởng.
Theo dự báo của các định chế tài chính nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như HSBC, VinaCapital, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và có thể đạt mức tăng trưởng từ 6,3% – 7% trong năm 2024.
Theo HSBC, Việt Nam sẽ lại góp mặt trong danh sách những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất toàn cầu năm 2024 ở mức 6,3%; còn mức tăng trưởng GDP bình quân toàn cầu là 2,3%. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm sau cũng cao hơn hẳn so với các nền kinh tế trong khu vực như Malaysia ở mức 4,5%; Philippines ở mức 5,2%…
Ông Frederic Neumann – Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC nhận định: “Chúng tôi dự báo tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam đến từ quá trình tiếp tục hồi phục của hoạt động xuất khẩu, một phần là do sức tiêu dùng nội địa sẽ tăng trưởng ấn tượng trong những năm tới đây. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư công và khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành hỗ trợ tăng trưởng”.
Ông Brook Taylor, Giám đốc Điều hành – Công Ty Quản Lý Quỹ VinaCapital dự báo: “Chúng tôi dự báo GDP Việt Nam năm sau có thể tăng trên 6,5%, thậm chí đạt 7%. Năm nay, chúng ta chứng kiến sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nhưng từ quý IV năm nay có thể thấy các đơn hàng bắt đầu quay lại và chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng tốc trong năm sau”.
Hiện tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam nằm trong top 10 các thị trường toàn cầu. Đáng chú ý, theo nghiên cứu của HSBC, số lượng người trưởng thành có tài sản trên 250.000 USD, tương đương khoảng 6 tỷ đồng tăng lên nhanh chóng, hứa hẹn sẽ gia tăng chi tiêu mạnh mẽ hơn nữa. Điều này hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, không chỉ mở các nhà máy phục vụ cho xuất khẩu, mà hướng tới chính thị trường nội địa.
Ông Frederic Neumann – Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC đánh giá: “Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn dòng vốn FDI, không chỉ những lĩnh vực truyền thống, mà sẽ đặc biết chú trọng vào kinh tế xanh, năng lượng sạch, những ngành phục vụ cho xuất khẩu, các lĩnh vực liên quan tới tiêu dùng nội địa như chăm sóc sức khỏe, lưu trú, bán lẻ, tài chính…”.
Thách thức lớn nhất với kinh tế Việt Nam 2024 là những yếu tố từ bên ngoài như khả năng hồi phục của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ hay châu Âu, gắn với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điểm tích cực là cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng và thị trường xuất khẩu cũng đa dạng nên không bị tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”.