Một trong những kết quả nổi bật nhất của ngành giao thông vận tải trong 6 tháng đầu năm là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, với hàng loạt dự án trọng điểm được triển khai trên cả 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.
Để thúc đẩy đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu, thúc đẩy tiến độ các dự án những tháng cuối năm.
Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam Lâm Văn Hoàng cho biết, thời gian qua việc phối hợp giữa các địa phương trong điều phối nguồn vật liệu xây dựng còn chưa tốt. Qua kiểm tra thực tế các dự án đường cao tốc đang triển khai, một số chủ đầu tư của địa phương có bộ máy quản lý dự án còn mỏng, năng lực chưa đồng đều.
Theo Cục trưởng Lâm Văn Hoàng: “Dự án đường cao tốc thường đi qua nhiều tỉnh, thành, việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản theo địa bàn nên đề nghị các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện về các yêu cầu kỹ thuật, định mức, đơn giá… và các thủ tục liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai”.
Đối với các dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; đồng thời, chủ động xây dựng hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng để ngay sau khi phê duyệt dự án có thể triển khai ngay công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đáp ứng tiến độ khởi công các dự án theo yêu cầu.
“Riêng hệ thống trạm dừng nghỉ, Cục Đường cao tốc Việt Nam cần chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, đồng thời chỉ đạo rõ: Giai đoạn 1 đã làm tốt, giai đoạn 2 phải làm rất nhanh, làm đồng thời. Cần phải lưu ý, nhiều đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đến ngày 30/4 đã hoàn thành. Phải đảm bảo thời điểm khánh thành, dự án được đầu tư đồng bộ các hạng mục, trong đó có hệ thống trạm dừng nghỉ.
Đảm bảo tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước triển khai đúng tiến độ Dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành; xây dựng kế hoạch để rút ngắn tiến các Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh triển khai nghiên cứu thí điểm mở rộng sử dụng cát biển theo đúng kế hoạch để sớm có kết quả chính thức, toàn diện trong năm 2024 nhằm phục vụ cho các dự án triển khai trong thời gian tiếp theo. Đây cũng là nội dung được quan tâm khi có thông tin sử dụng cát biển nhiễm mặn để thi công các dự án cao tốc.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định, các Dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nói chung, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông.
Để việc thi công cát biển được thuận lợi và không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản đề nghị các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng quan tâm có hướng dẫn kịp thời (khi có đề nghị) để Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, tuân thủ các quy định.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/7, nhà thầu sẽ thi công thí điểm sử dụng cát biển đắp đền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau, thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đảm bảo hoàn thành vào 31/12/2025.
Trước đó, 6 tháng đầu năm, ngành giao thông vận tải ghi nhận 4 dự án đường cao tốc đã hoàn thành vào khai thác; trong đó, có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt vào ngày 30/6 đã kịp thời đưa vào khai thác 19 km còn lại đoạn từ Quốc lộ 46B đến Bãi Vọt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ Tp. Hồ Chí Minh đến Nha Trang, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000 km.
6 dự án đường sắt giai đoạn 2021 – 2025 cũng đã được phê duyệt và đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu đối với 1 dự án ODA và 1 dự án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022, 2 dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang được tập trung tháo gỡ, dự kiến tuyến Nhổn – ga Hà Nội đưa vào khai thác tháng 7/2024, tuyến Bến Thành – Suối Tiên đưa vào khai thác tháng 12/2024.
Chánh văn phòng Uông Việt Dũng cũng thông tin, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý Dự án Đường sắt lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt: Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng, Vành đai phía Đông Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh – Cần Thơ, Biên Hòa – Vũng Tàu, Thủ Thiêm – Long Thành, điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, giao nhà đầu tư lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án Vũng Áng – Mụ Giạ.
Về hàng không, gói thầu 5.10 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang thi công vượt tiến độ so với hợp đồng, dự án T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch.
Đối với lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, các dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải và dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa thi công đảm bảo tiến độ. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn và dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.
Tới đây, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành tăng cường cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các cảng, bến, nhà ga phục vụ hành khách; phối hợp với địa phương bảo đảm đầy đủ phương tiện phục vụ an toàn, thuận lợi nhu cầu đi lại của người dân.
Riêng về giải ngân vốn đầu tư công, với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn 61,9 nghìn tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải cũng xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định, đảm bảo mục tiêu 100% kế hoạch vốn năm 2024.
Theo Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải Uông Việt Dũng, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã giao chi tiết kế hoạch vốn qua 3 đợt, đã duyệt quyết toán 13/42 dự án với tổng giá trị 6.275 tỷ đồng. Kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm là 25.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch giao.