Quảng Ninh có tốc độ đô thị hóa nhanh, có lượng lớn khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, đơn vị sản xuất than; các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động. Bên cạnh những lợi thế phát triển kinh tế, Quảng Ninh cũng phải đối mặt với những yếu tố tác động đến môi trường. Để phát triển kinh tế bền vững, công tác bảo vệ môi trường, nhất là kiểm soát nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang được các địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm triển khai.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn Quảng Ninh được quy hoạch thành lập, phát triển 23 KCN, trong đó có 9 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 7 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập. Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 KCN đã hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung, trong đó 6 KCN có dự án thứ cấp hoạt động đã đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung và hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động kết nối, truyền dữ liệu hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng với thu gom, thoát nước thải. Các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh cũng mở rộng diện tích 11 CCN, trong đó 5 CCN đã đi vào hoạt động và cơ bản đã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tại các CCN được thu gom, hợp đồng đối với các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo quy định.
Cùng với đó, tại các khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm… trên địa bàn tỉnh cơ bản được trang bị phân loại rác thải, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Điển hình, TP Hạ Long đã xây dựng hệ thống thu gom chất thải tại cảng bến neo đậu: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu Hòn Gai, Cảng Cái Rồng – Vân Đồn, cảng Cô Tô, các điểm tham quan du lịch trên Vịnh. BQL Vịnh Hạ Long đã duy trì công tác thu gom, xử lý nước thải tại các điểm tham quan trên Vịnh và lắp đặp thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt Jokaso của Nhật Bản tại đảo Đầu Gỗ. Đồng thời, duy trì hệ thống Jokaso tại đảo Titop và 2 hệ thống xử lý nước thải tại khu vực Vung Viêng, và Ba Hang.
Đặc biệt, triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”, các tổ chức, cá nhân có hoạt động du lịch, dịch vụ trên Vịnh đã cam kết không sử dụng, mua bán các sản phẩm từ nhựa dùng một lần như cốc, ống hút, hộp, bát, đĩa, túi nilon…, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường khi tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Nhờ vậy, đã giảm được 90% rác thải nhựa dùng một lần phải thu gom tại các điểm tham quan.
Thời gian qua, để giải quyết tình trạng xuất hiện các mảnh phao vỡ, vụn bè mảng trong quá trình thay thế phao xốp của các nhà bè nuôi trồng thủy sản và xử lý các lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép trôi nổi trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, BQL Vịnh Hạ Long đã tăng cường công tác thu gom, xử lý rác. Đặc biệt, đơn vị phát động tháng cao điểm (tháng 3/2024) tăng cường phương tiện, nhân lực tổ chức đợt cao điểm làm sạch môi trường Vịnh. Đến nay, các vùng mặt nước trên Vịnh Hạ Long cơ bản không còn rác, phao xốp, lá cây trôi nổi, tạo môi trường xanh, sạch và làm đẹp cảnh quan, du lịch…
Cùng với Hạ Long, huyện Cô Tô cũng có nhiều sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường. Huyện đã triển khai thí điểm Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” (Đề án 175) và đã mang lại hiệu quả thực chất, tạo chuyển biến quan trọng trong ý thức, hành động của người dân, du khách trong gìn giữ môi trường, cảnh quan. Nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện cũng sáng tạo tour du lịch mới có tên “tour nhặt rác”, được nhiều du khách rất thích thú và nhiệt tình tham gia. Chị Ngô Thu Hà (du khách Hà Nội) cho biết: Đến Cô Tô nghỉ dưỡng, đoàn chúng tôi không chỉ được trải nghiệm, khám phá các địa điểm du lịch tuyệt đẹp trên đảo mà còn cùng bà con nơi đây thu gom rác bên bờ biển. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa và ấn tượng với chúng tôi khi đến hòn đảo xinh đẹp này.
Để kiểm soát tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, huyện Cô Tô còn lắp camera giám sát tại một số “điểm nóng” tập kết rác thải, vì thế đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định.
Là địa bàn có hoạt động sản xuất, khai thác than khá sôi động. Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được các đơn vị ngành Than tập trung thực hiện, trong đó chú trọng các phương án cải tạo môi trường cảnh quan khu vực mặt bằng sản xuất; đầu tư bổ sung máy móc, xe dập bụi, các giải pháp chống bụi triệt để tại các kho tập trung, khu vực sản xuất gần khu dân cư… Đồng thời, chuẩn hóa quy trình tổ chức, triển khai và thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý môi trường của TKV; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu và triển khai tái chế nước thải mỏ phục vụ dân sinh giai đoạn 2025-2030; tăng tốc thực hiện “Xanh hoá môi trường khai thác mỏ”. Trong năm nay, TKV tăng cường phối hợp, chỉ đạo thực hiện Đề án bảo vệ môi trường TKV giai đoạn 2022-2025, định hướng tới 2030, theo đó sẽ tập trung trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, sử dụng lại khai trường mỏ làm quỹ đất và hồ chứa nước tự nhiên phục vụ sản xuất và sinh hoạt nhân dân địa phương; tiếp tục chỉ đạo triển khai các công trình, phương án môi trường các khu vực đã được thông qua. Cùng với đó, hoàn thành xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của TKV thực hiện mục tiêu Chương trình chống biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, định hướng tới 2050…