Sau hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu gạo từ các quốc gia như: Ấn Độ, Nga, UAE, Myanmar… giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục lập đỉnh. Ở thị trường trong nước, giá gạo bán lẻ biến động nhẹ, thậm chí có xu hướng giảm ở một số địa phương.
Giá gạo tăng nhẹ ở chợ dân sinh, bình ổn tại hệ thống siêu thị
Ghi nhận của PV Lao Động ngày 3.9, giá gạo tại thị trường TP Hồ Chí Minh tăng nhẹ. Tuy nhiên, việc tăng giá này chỉ diễn ra ở các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ. Trong khi đó, tại các siêu thị, giá gạo và các sản phẩm thiết yếu vẫn bình ổn.
“Giờ ra chợ các loại rau, gạo đều tăng nhẹ từ 2.000 – 5.000 đồng/kg. Siêu thị thì rẻ hơn, một số mặt hàng còn được áp dụng giảm giá, khuyến mãi, mua 1 tặng 1 nên tôi lựa chọn vào siêu thị mua hàng trong thời gian này để tiết kiệm chi phí” – bà Lương Ngọc Hằng (Quận 3) chia sẻ.
Lý giải về việc giá hàng hoá tại chợ tăng, bà Cao Thị Hà – tiểu thương chợ Thị Nghè (Quận Bình Thạnh) cho hay, giá cả có sự biến động vì phụ thuộc vào nguồn cung và mức giá từ phía đầu mối cung cấp trong từng thời điểm.
Tại thị trường Hà Nội, giá gạo bán lẻ có xu hướng đi ngang. Tại một số siêu thị lớn, các loại gạo nổi tiếng thậm chí giảm giá, hoặc áp một loạt các khuyến mãi kèm theo để kích thích người mua.
Ghi nhận vào ngày 3.9.2023 tại siêu thị WinMart Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy – Hà Nội), gạo ST25 bịch 3kg có giá 99.000 đồng, không thay đổi so với gần 1 tháng trước đó; Gạo tám thơm đặc sản Tây Bắc 3kg có giá 73.000 đồng (giảm 8.000 đồng/bịch)…
Tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội), giá gạo thơm đặc sản ST24 Neptune có giá 198.000 đồng/bịch 5kg; giá gạo thơm đặc sản ST25 Neptune có giá 228.900 đồng/bịch 5kg; Gạo Bảo Minh ST25 có giá 138.900 đồng/bịch 3kg. Giá những loại gạo này cơ bản không có nhiều thay đổi so với 1 tháng trước đó.
Tại siêu thị Winmart (Thanh Hoá), bịch gạo ST25 Ngọc Nương 5kg có giá 159.900 đồng; Gạo ST25 Vinaseed 3kg có giá 99.900 đồng. Tại một cửa hàng ở TP Thanh Hoá (Thanh Hóa), bịch gạo Bắc Thịnh 10kg có giá 160.000 đồng; Gạo ST Bắc Thơm có giá 160.000 đồng; Gạo Ăn Lành bịch 10kg có giá 180.000 đồng; Gạo Hương Lài Sữa Campuchia bịch 10kg có giá 205.000 đồng… Giá gạo không có nhiều biến động.
Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu duy trì quanh mức 628 – 643 USD/tấn. Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu tiếp tục đà tăng theo ngày, với mức tăng 5 USD/tấn.
Chương trình bình ổn phát huy hiệu quả
Mới đây, Sở Tài Chính TP Hồ Chí Minh đã duyệt mức giá bán mới đối với mặt hàng gạo, đường tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết 2024. Sau khi điều chỉnh, giá các mặt hàng vẫn đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng loại trên thị trường từ 5,6% – 14,3%, đáp ứng đúng quy định.
Tuy nhiên, ở một số đơn vị bán lẻ sẽ vẫn giữ nguyên giá bán ra như đã niêm yết trước đó để kích thích sức mua.
“Việc tăng giá từ 10 – 12% cho nhà cung cấp sẽ được thực hiện từ giữa tháng 9. Hiện chúng tôi vẫn đang giữ mức giá bán như cũ và sẽ chịu giá mua tăng cho các nhà cung cấp” – bà Nguyễn Thị Bích Vân – Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam – cho biết.
Để bình ổn giá cả mặt hàng gạo và các loại hàng hóa khác, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt chương trình bình ổn, thúc đẩy bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần ngăn chặn làn sóng tăng giá. Thành phố đang triển khai chương trình khuyến mãi tập trung kéo dài đến ngày 15.9.
Tính đến nay, đã có hơn 8.000 chương trình khuyến mãi, khung giảm giá lên đến 100%. Các nhà bán lẻ lớn đều giảm giá cho nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực thực phẩm, nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng.
Đánh giá về sự hiệu quả của chương trình này, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh – cho rằng, chương trình đã tạo được nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chất lượng, chủ động và đủ để chi phối thị trường.
“Với chương trình này sẽ giúp lượng hàng cung ứng cho thành phố đủ và giảm được sự tăng giá đến cuối năm” – bà Lý Kim Chi nói.
Lúa cạn đồng, gạo bán lẻ vẫn tăng đều Ghi nhận thị trường gạo bán lẻ trong dịp lễ Quốc khánh 2.9 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng, trong khi lúa Hè thu đã dần cạn đồng… Theo cập nhật của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 – 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 được dao động quanh mốc 8.000 – 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 – 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giá 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg. Với mặt hàng gạo, giá đã chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 ổn định ở mức 12.300 – 12.350 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 duy trì quanh mốc 14.300 – 14.400 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhận định của tiểu thương tại TP Cần Thơ, so với đầu tháng 8, giá gạo bán lẻ vẫn có xu hướng tăng. Ông Phạm Văn Tấn (quận Ô Môn) thông tin: hàng gạo của gia đình bán giá “nhỉnh” hơn so với các gian hàng khác, nhưng trung bình mỗi ngày vẫn tăng từ 200-300 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, Gạo nhà giờ 504 giá 16.300 đồng/kg; gạo 1 bụi giá 17.500 đồng/kg. Theo các thương lái, lượng gạo hiện nay về ít, thị trường lúa gạo giao dịch chậm lại do vào kỳ nghỉ lễ, các kho ngưng mua. Thị trường nội địa giao dịch lai rai, giá gạo bình ổn ở mức cao. Lúa Hè thu gần cạn nguồn, vững giá. Giá lúa Thu đông có xu hướng tăng. Bà Hồ Thị Nhiên – nông dân trồng lúa tại huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) – cho biết, sau đợt thu hoạch này nhà bà sẽ không gieo lại ngay mà đợi đến đầu tháng 10 mới làm lại.
|