Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh tăng 17,5% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu rất đáng mừng khi công tác triển khai các giải pháp tăng trưởng cho thị trường nội địa, kết nối hàng hóa tại thị trường trong nước phục vụ cho người dân; các chương trình an sinh xã hội, phát triển thị trường đã được phát huy hiệu quả.
Mấy năm trở lại đây, chủ trương phát triển thị trường nội địa để kích thích tiêu dùng đã được triển khai rộng khắp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, sức mua của Nhân dân trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trong thời gian gần đây đã thúc đẩy thị trường nội địa hoạt động tích cực và sôi nổi, hiệu quả cao hơn.
Để đạt được kết quả đó, thời gian qua, công tác tuyên truyền kích cầu tiêu dùng nội địa bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã được đặc biệt quan tâm, từ các cuộc họp, sinh hoạt ở tổ dân cư, khu phố đến các địa điểm công cộng hay trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật là thúc đẩy, kích cầu toàn diện du lịch nội địa, sử dụng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh… Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người thay đổi thói quen tiêu dùng hằng ngày, tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm, tham quan, du lịch trong tỉnh đến việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bà Vi Lan Hương, phường Hồng Hà, TP Hạ Long cho biết: Các sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh đã ngày càng khẳng định được thương hiệu và chất lượng. Từ trước đến nay, khi đi siêu thị hay tới các hội chợ, tôi đều lựa chọn và tìm mua các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP. Tôi nghĩ rằng, việc tăng cường tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh, sản phẩm nội địa là điều cần thiết.
Chung tay với tỉnh, các Trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ, phân phối… trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu của khách hàng để đảm bảo nguồn cung các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh, cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. Chủ động nhập nguồn hàng cũng như có các chính sách khuyến mại giảm giá để kích cầu việc mua sắm của người dân. Các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc trưng của tỉnh cũng đang tích cực phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh và điều chỉnh kế hoạch, phương án sản xuất của đơn vị để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại thị trường trong tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP với 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất. Có 336 sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3-5 sao) được đưa lên các sàn TMĐT, cụ thể như: sàn Voso.vn 160/336 sản phẩm đạt 60%; sàn Postmart.vn 108/336 sản phẩm đạt 40,4%; riêng sàn giao dịch TMĐT tỉnh đang giới thiệu 424/560 sản phẩm OCOP, trong đó có 190/336 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên… Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, mà còn có tác động to lớn đến việc kích cầu tiêu dùng cho các sản phẩm nội tỉnh được tiến xa hơn tới nhiều thị trường trong thời kỳ bùng nổ thương mại 4.0 như hiện nay.
Đặc biệt, để thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa, hàng năm tỉnh đều tích cực triển khai hoạt động quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tổ chức được rất nhiều các hoạt động hội chợ, triển lãm, tuần xúc tiến sản phẩm… Điển hình như: Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Xuân 2023; Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2023; các địa phương tổ chức 7 hội chợ OCOP kết hợp thương mại; Hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Đây đều là những hoạt động hiệu quả để đưa các sản phẩm của Quảng Ninh đến gần hơn với đông đảo người tiêu dùng.
Cùng với đó, bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã nhanh chóng triển khai thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu thụ nội địa. Theo lãnh đạo sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: Sở đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương triển khai cung ứng kết nối tiêu thụ các sản phẩm vào các chợ truyền thống và kênh phân phối các siêu thị, cửa hàng an toàn thực phẩm trong toàn tỉnh, các doanh nghiệp lớn và các khu công nghiệp trên địa bàn… Xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Hỗ trợ, định hướng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát triển thương hiệu, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm. Tập trung đưa sản phẩm của tỉnh vào các siêu thị, nhà hàng trên địa bàn và tại một số tỉnh lân cận. Qua đó, sẽ góp phần khẳng định thương hiệu, đưa các sản phẩm của Quảng Ninh ngày càng vươn xa.