Những năm qua, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế xanh, bền vững. Trong đó, ngoài thu hút những nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn với công nghệ chế biến, chế tạo hiện đại, thân thiện môi trường, Quảng Ninh còn chú trọng đến việc đẩy mạnh trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, giữ những “lá phổi” xanh thêm xanh, tạo nguồn sinh thuỷ, không khí trong lành.
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết nguyên đán là toàn tỉnh Quảng Ninh lại ra quân trồng cây đầu năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Như mùa xuân năm Giáp Thìn 2024, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã trồng trên 1 triệu cây tại rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn. Trong đó, tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng rừng bằng lim, giổi, lát; trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đã đề ra là trồng rừng tập trung dự kiến 13.250ha (trồng 1.000ha lim, giổi, lát) và trồng 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.
Thực hiện nhiệm vụ này, trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đã bám sát chỉ đạo của tỉnh để tham mưu, triển khai công tác trồng rừng đảm bảo kế hoạch đề ra. Đến nay, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt trên 10.000ha, đạt 94,4% kịch bản, trong đó trồng rừng gỗ lớn đạt 650ha, bằng 65% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 457.000m3, tăng 8,3% so với cùng kỳ và đạt 100% kịch bản tăng trưởng trong 6 tháng. Toàn tỉnh tiếp tục duy trì đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%.
Để tiếp tục khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn, nhất là trồng rừng gỗ lớn, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 về Quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Nghị quyết quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, điều kiện áp dụng, chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, chính sách hỗ trợ sản xuất dưới tán rừng… Trong đó, đối với chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống và công chăm sóc; hỗ trợ 400.000 đồng/ha chi phí lập phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng. Nhà nước cấp ngân sách với mức tối đa không quá 20 triệu đồng/ha để đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân trồng rừng gỗ lớn. Hỗ trợ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với thành viên thuộc tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân: Mức cho vay theo phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng được phê duyệt nhưng không quá 30 triệu đồng/ha. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Thời hạn cho vay theo phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng nhưng tối đa không quá 25 năm. Trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Tổng số tiền vay trên 200 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết này phải bảo đảm tiền vay theo quy định tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất dưới tán rừng, hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/ha rừng gỗ lớn để mua cây giống, con giống. Hỗ trợ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với thành viên tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân: Mức cho vay tối đa không quá 30 triệu đồng/ha diện tích trồng rừng gỗ lớn được nghiệm thu theo quy định. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Thời hạn cho vay theo phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng được phê duyệt nhưng tối đa không quá 5 năm. Tổng số tiền vay trên 200 triệu đồng/hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết này phải bảo đảm tiền vay theo quy định tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nguồn kinh phí thực hiện ngân sách tỉnh từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, chương trình, đề án, dự án có liên quan và nguồn vốn hợp pháp khác; Ngân sách tỉnh bố trí hằng năm để uỷ thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh thực hiện cho vay.
Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển trên 12.800ha rừng gỗ lớn. Trong đó trồng mới 7.271ha, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn là 5.554ha, tập trung chủ yếu vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Lim, giổi, lát.
Để thực hiện thành công mục tiêu trồng rừng trong những năm tới, việc ban hành một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, qua đó khuyến khích người dân, chủ rừng, doanh nghiệp lâm nghiệp tích cực trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn. Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương, định hướng chuyển đổi mô hình tăng trường từ “nâu” sang “xanh”, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.