Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Chiều 18/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Theo đó, dự thảo Luật gồm 151 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều – giảm 2 chương, tăng 54 điều so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023.
Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.
Nếu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
“Toà án là cơ quan xét xử nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sau đó lại xét xử vụ án do mình khởi tố sẽ không vô tư, khách quan, làm thay cơ quan hành pháp, không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng và trên thực tế là không hiệu quả”, ông Tiến cho hay.
Thẩm phán được bổ nhiệm phải có kinh nghiệm sống, tầm hiểu biết rộng về các lĩnh vực
Cũng theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, lần sửa đổi này bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành.
“Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm nguồn bổ nhiệm thẩm phán, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chỉ có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, thông thạo chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm sống, có tầm hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”, ông Tiến nêu.
Về thẩm tra viên, sẽ bổ sung tiêu chuẩn “đã được đào tạo nghiệp vụ thẩm tra viên hoặc nghiệp vụ xét xử”; đồng thời quy định người muốn được bổ nhiệm thẩm tra viên phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn thẩm tra viên và thuộc một trong hai trường hợp: Đã làm thư ký tòa án từ đủ 3 năm trở lên; có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên và trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn thẩm tra viên.
Về thư ký tòa án được bổ sung quy định người có đủ các tiêu chuẩn sau thì được bổ nhiệm vào ngạch thư ký tòa án: Có trình độ cử nhân luật trở lên; được đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án; được tuyển dụng vào tòa án.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với việc bố trí thẩm phán công tác tại Tòa án nhân dân tối cao.
Tuy nhiên, đề nghị bổ sung nhiệm vụ cho thẩm phán này theo hướng: Thẩm phán công tác tại Tòa án nhân dân tối cao ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thì hằng năm phải tham gia xét xử một số vụ án tại tòa án khác phù hợp ngạch, bậc của họ.
Đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cũng cho hay, dự thảo luật còn quy định thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở kế thừa tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; đồng thời, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng Tư pháp quốc gia.
Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm thẩm phán, xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Tòa án nhân dân; bảo vệ Thẩm phán… để tăng cường tính khách quan, minh bạch.
Điều này cũng góp phần phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi xét xử.
Theo ông Tiến, đây là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia là một vấn đề rất lớn, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nghị quyết 27 và Hiến pháp 2013 đều không quy định Hội đồng Tư pháp quốc gia.
Cơ quan thẩm tra đề nghị không thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, mà giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.