Những năm qua, Quảng Ninh luôn kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư mạnh, trong đó có hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Việc huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển văn hoá, thể thao của tỉnh Quảng Ninh có bước đột phá.
Tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nút thắt cho thiết chế văn hóa, thể thao cần bắt đầu từ thể chế, chính sách. Quảng Ninh đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch quan trọng để triển khai xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân. Năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Kế thừa và phát huy Nghị quyết 11-NQ/TU, năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, trong đó, đưa ra nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quảng Ninh cũng tích hợp việc xây dựng các thiết chế văn hoá thể thao trong Quy hoạch tỉnh. Trong Quy hoạch tỉnh, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng Nhà hát tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh với quy mô đẳng cấp quốc tế, hiện đại, trở thành công trình văn hóa biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh cũng rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Tỉnh tiếp tục khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm động viên sức người, sức của của nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa; huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân bằng các chính sách, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa.
Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khơi thông nguồn lực xã hội hóa thiết chế văn hóa thể thao. Nghị quyết số 208/2015/NQ-HĐND, ngày 15/7/2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn. Hay như Quyết định số 2433/2015/QĐ-UBND, ngày 20/8/2015 của UBND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tế cũng đã ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy xã hội hóa xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao.
Quảng Ninh đã nhìn thẳng vào những tồn tại, vướng mắc, đề ra các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Tại hội thảo với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 12/5/2024 tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá: Quảng Ninh có những chủ trương, cách làm rất phù hợp phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Đặc biệt, công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở Quảng Ninh đã tạo đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn hoá trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, từng bước tạo cân bằng về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng nông thôn và thành thị; góp phần tích cực giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh.