Là địa bàn có tới 67/177 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị. Bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, sau 3 năm thực hiện, vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh đã có bước phát triển rõ rệt.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đã cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch, triển khai kịp thời, bài bản, khoa học, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện chương trình, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn của tỉnh.
Để những chính sách sớm đi vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc tích cực, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nhằm tạo được sự thay đổi về nhận thức, cũng như sự đồng thuận cao của cộng đồng, người dân trong thực hiện chương trình. Hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình MTTQ, gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy được tổ chức tốt. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động, phê duyệt đề án cụ thể hóa chương trình và tổ chức thực hiện.
Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Huyện ủy Bình Liêu đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng các kế hoạch giai đoạn và hằng năm, cũng như xây dựng Đề án Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, gắn với thực hiện các chương trình MTQG về xây dựng NTM và giảm nghèo trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm một cách sâu sát, như nghị quyết về phát triển GD&ĐT; xây dựng huyện đạt chuẩn NTM; về phát triển du lịch huyện Bình Liêu; phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt công tác chỉ đạo, sâu sát kiểm tra, đôn đốc quyết liệt, kiểm điểm tiến độ triển khai từng mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở dành nhiều thời gian đi cơ sở để kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình triển khai và kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc kịp thời điều chỉnh cơ chế, biện pháp điều hành và giải pháp thực hiện.
Là tỉnh được Trung ương giao tự cân đối ngân sách địa phương thực hiện các chương trình MTQG, Quảng Ninh đã kiên trì phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư” và quan điểm NSNN là “vốn mồi” có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác. Trong quá trình triển khai, tỉnh đã chỉ đạo tập trung, ưu tiên dành nguồn lực cho chương trình này. Riêng giai đoạn 2021-2024, tỉnh ưu tiên bố trí trên 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư công ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn này đã thu hút trên 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng và vốn xã hội hóa cho thực hiện chương trình. Các nguồn vốn đều được bố trí có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu của chương trình đã đề ra.
Với chủ trương đúng đắn, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cùng nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, người dân, tỉnh Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dù còn gần 2 năm nữa mới kết thúc giai đoạn 2021-2025, song đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành, hoàn thành vượt tiến độ mục tiêu chung và trên 80% chỉ tiêu cụ thể của chương trình cả giai đoạn với nhiều kết quả nổi bật.
Rõ nét nhất là các nhiệm vụ, dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông động lực, kết nối liên vùng và nội vùng; hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thủy lợi… đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tốt, tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Các cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội… được xây dựng, triển khai đảm bảo kịp thời; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần nhanh chóng hiện thực hóa chương trình bằng kết quả, định lượng cụ thể.
Đến nay, 100% xã miền núi có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%… Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 73 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2020; cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết: Qua theo dõi chung trong cả nước, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương đã hoàn thành và hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu, mục tiêu chương trình đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng đã vượt xa so với chỉ tiêu cả nước, như thu nhập bình quân đầu người, nước sạch, xóa nghèo, xóa xã ĐBKK… Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng, là điển hình cả nước trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hiệu quả từ thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021-2025) của tỉnh Quảng Ninh có đóng góp quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.