9 tháng năm 2023, TP Móng Cái đón 1,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 120% so cùng kỳ năm 2022 (tăng 50% so kế hoạch tỉnh giao cả năm 2023); nộp NSNN về dịch vụ du lịch đạt trên 80 tỷ đồng, tăng 130% so cùng kỳ năm 2022… Đây là những con số ấn tượng cho thấy sự khởi sắc của du lịch ở thành phố vùng biên.
Với kết quả đã đạt được trong 9 tháng, TP Móng Cái tiếp tục có những giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án phát triển du lịch thành phố đến 2025, định hướng đến năm 2030. Từ khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi vào hoạt động (tháng 9/2022), nhiều du khách ở Hà Nội, cũng như các tỉnh, thành phía Bắc đã chọn thành phố nơi địa đầu Tổ quốc làm nơi tham quan, mua sắm mỗi dịp cuối tuần. Đặc biệt, ngày 15/3/2023, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) chính thức mở cửa đón khách du lịch sau thời gian tạm dừng do dịch Covid-19 đã khiến thị trường du lịch Móng Cái càng thêm nhộn nhịp...
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch, lữ hành, tạo môi trường kinh doanh du lịch lữ hành chuyên nghiệp, hiện đại, tháng 3/2023, TP Móng Cái thành lập Chi hội Du lịch lữ hành, trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP Móng Cái và đã thu hút được 32 doanh nghiệp du lịch tham gia. Chi hội đưa ra nhiều phương hướng hoạt động, trong đó dịp 30/4, 1/5 chi hội đã phân công các thành viên phục vụ đảm bảo cho du khách hưởng các dịch vụ tốt nhất, từ nhà hàng tới khách sạn, phương tiện vận chuyển, vui chơi giải trí…
TP Móng Cái cũng dành nhiều nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay thành phố đã phối hợp, tổ chức thành công 36 sự kiện, hoạt động, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, tiêu biểu như: Hội nghị toàn quốc về du lịch; Lễ hội đền Xã Tắc năm 2023; công bố quyết định, trao bằng xếp hạng cấp quốc gia với Khu di tích lịch sử Pò Hèn, xếp hạng cấp tỉnh với di tích đình Quất Đông và di tích đền Thánh Mẫu; khai mạc năm du lịch Móng Cái 2023 với chủ đề “Dấu ấn nơi địa đầu Tổ quốc”; lễ hội ẩm thực; lễ hội hoa sim biên giới…
Đồng thời, thành phố tập trung đào tạo nghiệp vụ du lịch và hướng dẫn viên tại điểm du lịch; triển khai giải pháp phát huy hiệu quả việc khai thác, quản lý khách du lịch Việt Nam sử dụng sổ thông hành tham quan Trung Quốc, kết nối, phối hợp với Cục Văn hóa, phát thanh, điện ảnh, truyền hình, thể thao và du lịch TP Đông Hưng (Trung Quốc) tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; xây dựng kế hoạch tổ chức tọa đàm thúc đẩy hoạt động du lịch biên giới qua cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng và kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tại Hội chợ Thương mại – Du lịch quốc tế Việt – Trung (Móng Cái – Đông Hưng) năm 2023.
Khảo sát, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp tập trung đầu tư hạ tầng, đưa vào hoạt động các điểm, sản phẩm du lịch mới, như: Du lịch sinh thái nông trại Nhật Vượng; điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Sa Vĩ, đặc sản Bình Ngọc; khu ẩm thực Hồng Vận; chương trình city tour bằng xe điện phục vụ du khách…
Thành phố đã và đang tập trung chuyển đổi số trong ngành du lịch với việc hoàn thành lắp đặt thí điểm wifi miễn phí tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, mũi Sa Vĩ, bãi biển Trà Cổ, Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, quảng trường trung tâm văn hoá, phố đi bộ Trần Phú. Gắn mã QR code tra cứu dịch vụ, du lịch tại 16 điểm du lịch trên địa bàn, gồm: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, chùa Xuân Lan, đền Thánh Mẫu, chùa Nam Thọ, Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, đình Dân Tiến, đình Quất Đông, đình Làng Bầu, đình Vạn Ninh, Nhà lưu niệm Bác Hồ, chợ trung tâm và phố đi bộ, đồi Trần Phú, ngọn Hải Đăng.
Lắp mới 7 biển quảng bá du lịch lớn bằng nguồn xã hội hoá; thiết lập lại và thông báo công khai 20 số điện thoại đường dây nóng du lịch từ thành phố tới các điểm du lịch; tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok tuyên truyền kịp thời các hoạt động du lịch trên địa bàn…
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch được tăng cường, trong 9 tháng năm 2023, lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra 96 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, lưu trú, lữ hành; xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở, nộp NSNN 26 triệu đồng; thu hồi 4 số điện thoại quảng cáo rao vặt trái phép, thông báo dừng hoạt động đối với 11 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo quy định; rà soát, hướng dẫn điều kiện về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn hoạt động và công bố công khai danh sách hơn 600 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (trong đó cấp phép mới đạt chuẩn du lịch cho 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ điểm mua sắm, 22 khách sạn, nhà nghỉ).
Với những cách làm sáng tạo của Móng Cái, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở thành phố vùng biên nơi địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.