Mùa xuân là mùa du lịch văn hoá tâm linh của Quảng Ninh với lượng khách hàng năm lên tới hàng triệu lượt. Năm nay cũng vậy, hệ thống hàng trăm di tích trên địa bàn tỉnh đều mở cửa đón khách với những con số đáng kể, nhiều lễ hội được tổ chức càng gia tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách.
Sức hút mùa du lịch xuân
Yên Tử là một trong những điểm du lịch văn hoá tâm linh nổi tiếng bậc nhất của Quảng Ninh. Theo thống kê của Ban quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, lượng khách về Yên Tử trong 14 ngày sau Tết Nguyên đán (từ ngày mùng 1 đến ngày 14 tháng Giêng) là hơn 143.000 khách. Luỹ kế từ đầu tháng 1 đến ngày 11/2 vừa qua đạt hơn 159.000 khách, mang lại nguồn thu phí tham quan đạt trên 6,1 tỷ đồng.
Năm nay, thời tiết sau Tết Nguyên đán tương đối tốt, không khí lạnh nhưng ngày mưa phùn chưa nhiều, thuận lợi cho du khách hành hương. Dịp nghỉ Tết, Yên Tử vào ngày cao điểm có thể thu hút tới hơn 2 vạn khách. Sau đợt nghỉ Tết, những ngày thường lượng khách giảm, dao động từ 4.000 – 5.000 khách, còn vào những ngày cuối tuần, Yên Tử thu hút lượng khách lớn hơn. Đơn cử, ngày chính hội mùng 10 tháng Giêng (tức ngày 7/2), di tích đón 5.769 khách. 2 ngày cuối tuần 8, 9/2 vừa qua, Yên Tử đón lần lượt hơn 16.000 và 17.000 khách.
Tuy nhiên, qua đánh giá chung thì lượng khách có xu hướng giảm từ 13-15% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, nhận xét: Năm nay, các điểm di tích cả nước đều có xu hướng giảm lượng khách bởi mùa xuân, nhiều nơi tổ chức lễ hội, tìm cách thu hút khách nên khách đi du xuân sẽ phân bố đều ra nhiều nơi, không tập trung vào một điểm nào nữa…
Qua khảo sát ở một số di tích lớn khác trên địa bàn cũng cho thấy, lượng khách đông hơn hẳn vào đợt nghỉ Tết, sau đó giảm mạnh, chỉ đến những ngày nghỉ cuối tuần thì lượng khách lại nhích lên. Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Bạch Đằng (Quảng Yên), chia sẻ: Mùng 1, 2, 3 Tết đều tắc đường, đoàn xe bị ùn ứ có khi kéo dài tới 2 cây số trên tuyến đường dẫn vào khu di tích. Lượng khách đến với di tích vào ngày cao điểm có thể đạt khoảng 20.000 khách. Sau rằm tháng Giêng, số khách bắt đầu giảm hơn. Ước từ mùng 1 đến 14 tháng Giêng, khu di tích Bạch Đằng đã đón khoảng 115.000 khách…
Các con số thống kê tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên (Cẩm Phả, Vân Đồn) cũng vậy. Theo đó, số lượng khách đến với đền Cửa Ông ngày cao điểm đợt nghỉ Tết đạt từ hơn 16.000 tới gần 19.000 khách, đền Cặp Tiên là hơn 8.000 khách. Đợt sau nghỉ lễ đến ngày 11/2, cao điểm là chủ nhật ngày 9/2, di tích đền Cửa Ông đón trên 11.500 khách. Tổng số khách đến đền Cửa Ông từ đầu tháng 1/2025 đến ngày 11/2 là trên 130.000 khách, đền Cặp Tiên là gần 39.000 khách.
Sức hút mùa du lịch xuân tại các di tích của Quảng Ninh là rất đáng kể. Điều này có được là do việc huy động nguồn lực từ nhiều nguồn để đầu tư cơ sở vật chất khang trang tại các quần thể di tích của tỉnh trong những năm qua. Cho đến những năm gần đây, không chỉ các di tích gốc đã được tu bổ, tôn tạo bền vững mà khuôn viên hoa, cây xanh, tiểu cảnh được mở rộng, đẹp mắt đã đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn cho du khách bên cạnh nhu cầu đi lễ đầu năm.
Qua thực tế của chúng tôi cho thấy, bên cạnh dòng khách nội là chủ đạo thì các điểm du lịch văn hoá tâm linh cũng thu hút lượng khách nước ngoài nhất định tìm về tham quan, trải nghiệm nét đặc trưng của văn hoá Việt ở Quảng Ninh. Không chỉ các điểm di tích lớn như Yên Tử, Cửa Ông, các di tích nhỏ và vừa như chùa Long Tiên, chùa Lôi Âm (TP Hạ Long) cũng lác đác đón khách quốc tế đến du ngoạn…
Được đánh giá cao trong tổ chức, quản lý hội xuân nhiều năm qua, năm nay, các đơn vị quản lý, doanh nghiệp đứng chân tại các di tích tiếp tục duy trì những phương án quản lý hiệu quả để đảm bảo ANTT, ATGT, PCCN, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… tạo thuận lợi nhất cho du khách về chiêm bái, du xuân.
Theo báo cáo của Ban quản lý di tích đền Cửa Ông – Cặp Tiên, đơn vị đã bố trí lực lượng bảo vệ đền phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cho nhân dân và du khách thực hiện tốt các quy định đảm bảo ANTT cho du khách đến tham quan, chiêm bái khu di tích. Đảm bảo tốt công tác phòng cháy chữa cháy. Thường xuyên quét dọn, thu gom vận chuyển rác thải đảm bảo vệ sinh khu di tích. Luôn chăm sóc cắt tỉa toàn bộ hệ thống cây xanh giữ gìn khu di tích xanh, sạch, đẹp…
Ở Yên Tử cũng vậy, doanh nghiệp đứng chân đầu tư hệ thống dịch vụ dưới chân núi là Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đã có sự chuẩn bị từ sớm. Chào đón du khách ngay khi đến đây là hệ thống tượng, hoa, tiểu cảnh trang trí bắt mắt cùng vô số các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ du khách sau chặng hành hương hay lưu trú, nghỉ dưỡng tại các không gian Làng Nương, Legacy của doanh nghiệp, như các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ dân tộc, trải nghiệm làm tranh, nón lá, chuồn chuồn tre, cưỡi ngựa…
Các đơn vị chức năng của TP Uông Bí cũng phối hợp tốt trong triển khai các phương án quản lý, đảm bảo xây dựng môi trường văn minh, thân thiện tại di tích, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách về du xuân, vãng cảnh và lễ phật tại Yên Tử.
Rộn ràng không khí lễ hội
Không chỉ hút khách bởi vẻ đẹp của cảnh quan, giá trị lịch sử, văn hoá đặc sắc của di tích mà không gian các di tích cũng là nơi diễn ra cả trăm lễ hội mùa xuân, có sức hấp dẫn không nhỏ với du khách.
Cho tới thời điểm này, nhiều lễ hội lớn đã diễn ra. Ở vùng đất Quảng Yên có thể kể tới Lễ hội Tiên Công gây ấn tượng với những đoàn rước cụ Thượng thọ lên miếu lễ tổ, mang ý nghĩa tri ân các vị Tiên Công đã có công khai hoang lấn biển, lập nên vùng đảo Hà Nam trù phú ngày nay hay Lễ hội Cầu Ngư với mong ước của người dân biển cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”…
Ở dải đất phía Tây của tỉnh – Đông Triều là hội xuân Ngoạ Vân thu hút du khách hành hương về với miền thánh địa linh thiêng – nơi vua Trần Nhân Tông hoá Phật trên ngọn Bảo Đài sơn từ hơn 700 năm trước. Mùng 9 khai hội xuân Ngoạ Vân, mùng 10 khai hội xuân Yên Tử – dải núi non với hệ thống hàng trăm chùa chiền, am tháp chạy từ dưới chân lên tới đỉnh chùa Đồng. Cả hai lễ hội đều kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Với không gian thênh thang, thanh sạch của đất trời, quang cảnh nơi đây khiến du khách như lạc vào cõi phật.
Ở Yên Tử, không chỉ khách nội tỉnh mà có nhiều du khách ở các địa phương lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… năm nào cũng về với danh sơn như một thói quen để thanh tịnh lòng mình, một truyền thống văn hoá tốt đẹp đã ngấm vào đời sống người Việt. Rồi những lễ hội tưng bừng trên các bản làng vùng cao, như lễ hội đình làng Dạ (Ba Chẽ), lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu) quyến luyến du khách bởi sắc màu văn hoá độc đáo của các dân tộc vùng cao…
Tới đây, nhiều lễ hội sẽ tiếp tục được tổ chức trong tháng 2, tháng 3 Âm lịch. Tiêu biểu, vào đầu tháng 2 Âm lịch là lễ hội đền Cửa Ông với phong phú các trò chơi dân gian như kéo co, cờ người, cờ bỏi, chọi gà, đẩy gậy, bịt mắt đánh trống, thi dâng soạn lễ… Còn vào đầu tháng 3 Âm lịch, vùng đất Quảng Yên lại mời gọi du khách về với không gian rộn ràng, đậm sắc màu của Lễ hội truyền thống Bạch Đằng… Mỗi di sản đều có nét văn hoá đặc sắc riêng thu hút du khách tìm hiểu, khám phá.
Năm 2024 vừa qua, du lịch Quảng Ninh thu hút 8,5 triệu lượt khách đến với các di tích, lễ hội truyền thống trên địa bàn, chủ yếu là khách đi vào mùa xuân. Năm nay, với lượng khách sôi động đến với các di sản văn hoá từ đầu năm cộng với sự phong phú của những lễ hội, hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những con số khởi sắc của du lịch văn hoá tâm linh, đóng góp vào mục tiêu chung của du lịch Quảng Ninh.