Mặc dù đã có sự chuẩn bị, ứng phó nhưng sức tàn phá của cơn bão số 3 Yagi vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề cho Quảng Ninh. Sau bão, cùng với các cấp, ngành, địa phương của tỉnh, huyện Bình Liêu nhanh chóng rà soát thiệt hại, triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra để sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, quyết tâm đảm bảo các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra năm 2024.
Những thiệt hại nặng nề
Cơn bão số 3 với sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào Quảng Ninh và một số tỉnh, thành của miền Bắc khiến huyện Bình Liêu cũng chịu những thiệt hại nặng nề. Nhất là ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, ngập lụt, sạt lở trên địa bàn huyện, đã gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, làm thiệt hại về cơ sở hạ tầng, sản xuất ở tất cả các xã, thị trấn, nghiêm trọng nhất ở các xã Lục Hồn, Húc Động và Đồng Văn.
Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ trước, trong và sau bão, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3; thành lập các tổ công tác phân công các đồng chí lãnh đạo huyện trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo tại các xã, thị trấn; tuyên truyền hướng dẫn người dân không được chủ quan trước tình hình của bão, nhanh chóng gia cố, chằng chống nhà cửa, dọn dẹp đất đá, khơi thông cống rãnh, chặt tỉa cây xanh sâu bệnh, dễ đổ…
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình, vật kiến trúc, nhà dân xuống cấp và khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, các điểm xung yếu trên địa bàn để chủ động các phương án sơ tán, di dời người dân đến khu vực an toàn. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư phòng chống bão; tổ chức ứng trực nghiêm túc tại các địa bàn được phân công sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, do sức tàn phá của cơn bão số 3 quá lớn đã gây ra những thiệt hại về người và của trên địa bàn huyện. Theo thống kê của UBND huyện, toàn huyện có 114 điểm bị sạt lở đất, đá trên các tuyến đường; có 44 tuyến cần khắc phục, sửa chữa để đảm bảo giao thông; hư hỏng 48 tuyến mương và 2 công trình nước sạch; có 13 nhà ở bị sập, 91 nhà tốc mái, 62 nhà bị ảnh hưởng sạt lở, ngập lụt và hàng trăm ngôi nhà, vật kiến trúc, cơ sở sản xuất… chịu tác động.
Về sản xuất nông nghiệp, ước tổng diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại là 184,4ha; gần 100 con gia súc, gia cầm và 10 tấn cá nước ngọt bị chết. Đặc biệt, diện tích cây lâm nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất với 3.674ha. Tổng thiệt hại của toàn huyện sau cơn bão số 3 ước khoảng gần 323 tỷ đồng.
Vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm
Trước những thiệt hại do bão gây ra, đến nay sau 2 tuần sau bão, bám sát chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Bình Liêu đã nhanh chóng vào cuộc, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục thiệt hại, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Với tinh thần “bão tan đến đâu, khắc phục đến đó”, các lực lượng chức năng, lực lượng vũ trang đã nhanh chóng cùng nhân dân ra quân dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa nhà ở, cơ sở sản xuất, khắc phục các sự cố điện, viễn thông hư hỏng phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân. Trong 2 ngày 14 và 15/9, hưởng ứng phát động của tỉnh, các thôn, bản, khu phố trên địa bàn huyện tiếp tục huy động nhân dân, đoàn viên thanh niên tham gia tổng vệ sinh sau bão: Dọn dẹp, thu dọn cây gãy, đổ, khơi thông cống, rãnh, kênh mương, thu gom rác thải,…
Ông Trần A Chiu, thôn Lục Ngù, xã Húc Động, cho biết: Do mưa bão lớn, nước dâng cao, xưởng miến của gia đình tôi cũng bị ngập nước hết, từ máy móc sản xuất đến các phên phơi, tráng miến đều gãy, hỏng. Song ngay sau bão, gia đình tôi bắt tay tập trung dọn dẹp, chủ động liên hệ với các cơ sở sửa chữa máy móc, đồ dùng dụng cụ để sớm khôi phục hoạt động, quyết tâm không để lỡ vụ sản xuất miến Tết năm nay.
Riêng đối với 13 hộ dân tại thôn Cao Thắng (xã Lục Hồn) đã được di dời khỏi vùng sạt lở trong bão, UBND huyện đã ra quyết định di dời bắt buộc tạm thời đối với các hộ dân, yêu cầu các hộ dân tiếp tục ở lại nhà văn hóa thôn hoặc nhà người thân để đảm bảo an toàn trước những diễn biến phức tạp của thời tiết. Qua kiểm tra khảo sát, UBND huyện đang thuê đơn vị tư vấn, đánh giá địa chất, mức độ nguy hiểm tại khu vực có nguy cơ sạt lở thôn Cao Thắng, nếu đảm bảo an toàn mới quyết định cho các hộ dân về lại nơi ở cũ.
Đồng thời, tham gia ý kiến vào các tờ trình của Sở Xây dựng, UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định biện pháp hỗ trợ thiệt hại về nhà ở do bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 và báo cáo số liệu về nhà ở” xem xét bổ sung thêm các đối tượng có nhà ở trong vùng nguy cơ sạt lở, phải di chuyển ra chỗ khác để xây nhà ở mới được hưởng mức hỗ trợ như các hộ gia đình có nhà ở bị đổ sập, trôi, hư hỏng hoàn toàn do bão số 3 mà không còn nơi ở khác trên cùng địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Chị Hoàng Thị Sinh, thôn Cao Thắng, chia sẻ: Các hộ dân trong thôn được các lực lượng chức năng, cán bộ, chiến sĩ của huyện hỗ trợ di dời xuống nhà văn hóa thôn để tránh bão từ ngày 10/9 đến nay. Chúng tôi được UBND xã quan tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm để đảm bảo sinh hoạt và chấp hành nghiêm túc quyết định không tự ý trở lại nhà cũ để đảm bảo an toàn. Song chúng tôi rất mong các cấp, ngành có định hướng, giải pháp hỗ trợ các hộ dân sớm an cư để ổn định đời sống.
Cùng với công tác khắc phục hậu quả của bão, hưởng ứng Thư kêu gọi do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, với tinh thần “tương thân, tương ái”, ngày 12/9 huyện Bình Liêu và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ nhân dân tỉnh Quảng Ninh khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.