Sau cơn bão Yagi, tổn thất lớn nhất với các di sản trên địa bàn tỉnh có lẽ chính là hệ thống cây xanh. Nhiều trong số này không chỉ tạo vẻ đẹp cảnh quan mà còn hàm chứa những giá trị đặc biệt gắn với các di tích, danh thắng. Cùng với sự phục hồi tự nhiên, nhiều địa phương, đơn vị đã có những giải pháp nhằm từng bước khôi phục màu xanh cảnh quan các di sản…
Vịnh Hạ Long với mục tiêu “Vịnh Hoa”
Triển khai thực hiện đề án “Hạ Long – Thành phố của hoa”, đồng thời trồng bổ sung, nhằm từng bước phục hồi hệ sinh thái thảm thực vật trên núi đá vôi bị ảnh hưởng sau bão số 3 (Yagi), từ cuối tháng 12/2024, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tiến hành trồng 200 cây bông mộc và 100 cây trai lý tại các tuyến điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long, như: Khu vực hòn Hang Sò, Mê Cung… Để đảm bảo hiệu quả cây trồng, đơn vị đã chỉ đạo các phòng, trung tâm bảo tồn trực thuộc căn cứ điều kiện địa hình thực tế để bố trí địa điểm trồng cây phù hợp, quản lý và bảo vệ cây sau khi trồng, đồng thời đánh giá tình trạng phát triển của cây sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng trong năm đầu tiên trồng.
Qua tìm hiểu thông tin từ đơn vị cho thấy, hiện nay, tại các điểm tham quan trên các đảo thuộc khu vực di sản, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai trồng một số loài thực vật bản địa có hoa đẹp, một số loại cây cảnh tạo cảnh quan cho khu vực, như bông mộc, lát hoa, hoa giấy… Cơ bản các cây trồng đều phát triển tốt, tạo cảnh quan đẹp cho điểm tham quan.
Tuy nhiên, do đặc thù địa hình của Vịnh Hạ Long chủ yếu là núi đá vôi, một phần đồi núi đất nghèo dinh dưỡng và đất ngập mặn, do đó để triển khai mô hình “Vịnh Hoa” theo nhiệm vụ tại Đề án “Hạ Long – Thành phố của hoa”, trong thời gian tới, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế – xã hội trên vịnh tiếp tục duy trì chăm sóc các loài cây kể trên.
Đồng thời, trồng mới các loài cây, hoa là các loài bản địa, đặc hữu của Vịnh Hạ Long hoặc các loài cây có phân bố tự nhiên ngoài khu vực phù hợp tại cảng tàu công tác Bến Đoan và các điểm tham quan mới trên vịnh. Trồng bổ sung, thay thế các cây yếu, hỏng bằng các loài cây, hoa là các loài bản địa có giá trị thẩm mỹ cao tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long. Thời gian tiến hành là từ năm 2024-2030.
Theo đó, gần đây nhất vào đầu tháng 2 vừa qua, đơn vị đã phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, với kế hoạch trồng gần 800 cây tạo cảnh quan, các cây bản địa, đặc hữu của Hạ Long, như: Lát hoa, ban, cọ, thiên tuế Hạ Long, trai lý, bông mộc, ngũ gia bì Hạ Long, lan hài đốm… Cây được trồng tại các điểm tham quan, các khu vực đảo đá vôi đảm bảo điều kiện sinh trưởng.
Với diện tích rộng lớn và cả nghìn đảo đá vôi, việc khôi phục hệ thống cây xanh tự nhiên trên các đảo sau bão chủ yếu sẽ dựa vào sự phục hồi tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian sau bão chủ yếu vẫn là mùa hanh khô, lượng mưa xuân còn ít nên nhiều đảo đá trên vịnh vẫn thấy khá rõ sự cằn cỗi… Với các hoạt động trồng cây kể trên sẽ góp phần xanh hoá các điểm tham quan, tạo thêm vẻ đẹp cho di sản khi đón khách tham quan.
Trồng cây mùa xuân tại các di tích
Không chỉ cây xanh trên núi đá của Vịnh Hạ Long đang chờ mùa mưa tới thì hình ảnh cây cối bị cắt tỉa sau bão Yagi còn trụi cành, chưa thể tươi tốt, sum suê trở lại khá phổ biến ở nhiều di tích trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như tại Yên Tử, dưới chân núi Yên Tử là hệ thống cây xanh do doanh nghiệp trồng vẫn chưa thể phục hồi xanh tốt trở lại như trước thì trên núi, đường Tùng cũng thưa thớt hẳn, lộ ra những khoảng trống lớn khi 3 “lão Tùng” đã bị gãy đổ sau bão. Vẻ đẹp con đường Tùng nổi danh khi xưa do vậy cũng bị ảnh hưởng không nhỏ…
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Cây cũng có quy luật sinh – lão – bệnh – tử, có vòng đời nhất định, các cụ Tùng đã có tuổi đời hàng mấy trăm năm nên nhiều cụ đã bị sâu, mục… Bão đi qua, nhiều cụ không chống chịu được đã bị bật gốc, gãy đổ. Chúng tôi đã cho người cưa cắt, dọn dẹp sau bão. Việc khôi phục vẻ đẹp của đường Tùng với những lão Tùng cổ thụ cao lớn trước đây sẽ cần có thời gian. Trước đây, chúng tôi đã có dự án “chữa bệnh” nhằm kéo dài tuổi thọ cho các cụ Tùng, đồng thời trồng thêm tùng cho rừng Yên Tử, trồng xen những cây tùng con vào vị trí gần những cây tùng đã bị gãy đổ do sâu bệnh, sét đánh…
Gần đây, trong năm 2024 vừa qua, ông Dũng cho hay, đơn vị cũng đã phối hợp với Công ty CP Phát triển Tùng Lâm phát động trồng một nghìn cây xích tùng ở Yên Tử, có cây cao tới 5-6m, có cây cao 50cm… Số cây này do doanh nghiệp trực tiếp triển khai trồng từ nguồn vốn xã hội hoá. Cây được trồng xen vào giữa các cụ Tùng, trồng rải rác khắp rừng Yên Tử, đặc biệt là các tuyến đường hành hương, khu vườn tháp và các chùa, từ chùa Giải Oan lên tới chùa Bảo Sái, Vân Tiêu…
Nằm ở khu vực cửa sông, hệ thống cây xanh tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Bạch Đằng, nhớ lại: Sau bão, hệ thống cây xanh của di tích bị thiệt hại nặng, nhiều cây to bị đổ, gãy cành, gãy cả ngọn. Chúng tôi đã mời các chuyên gia chăm sóc cây về hỗ trợ, cứu sống được nhiều cây to, trong đó có những cây đa bị bật gốc phải cắt cành, đào hố, dựng lại… Vườn lim xanh cũng được dựng lại vì hàng trăm cây bị đổ gãy, xé ngọn… Cùng với việc trồng lại những cây bị đổ, cắt tỉa những cành bị gãy, chúng tôi cũng tu bổ lại các hố trồng cây trong khuôn viên, sửa sang lại sân. Cho tới mùa hội xuân này, nhiều cây đã ra cành, trổ lá xanh tươi, tuy nhiên để phục hồi hoàn toàn hệ thống cây xanh đẹp được như xưa thì phải mất nhiều năm nữa.
Mùa xuân về, các địa phương đều tổ chức Tết trồng cây. Với các khu di sản trên địa bàn tỉnh thì Tết trồng cây năm nay còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc góp phần trả lại màu xanh cho di tích sau tác động của bão Yagi. Ông Thắng cho hay, TX Quảng Yên đã giao cho Đoàn Thanh niên thị xã phát động trồng cây Tháng thanh niên tại di tích Bạch Đằng vào tháng 3 tới đây.
Sớm hơn Bạch Đằng, ngày 15/2 vừa qua, Tết trồng cây đã được phát động tại khu di tích lịch sử Ngọa Vân (Đông Triều). Chương trình này có sự phối hợp của nhiều đơn vị, gồm Ban Trị sự GHPG tỉnh, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, TP Đông Triều và doanh nghiệp đứng chân tại Ngoạ Vân là Công ty CP Du lịch văn hóa Ngọa Vân – Yên Tử.
Dự kiến, chương trình sẽ trồng 1.500 cây bồ đề, hoa ban… tại cung đường hành hương vào chùa Ngọa Vân; trong đó, đợt 1 triển khai trồng 500 cây. Việc chăm sóc cây được cam kết đảm bảo tỷ lệ sống cao, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của Ngoạ Vân – khu di sản quan trọng bậc nhất nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.