Sáng 1/12, tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long đã long trọng tổ chức Lễ khởi công dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi Đình Làng Bang.
Di tích Đình Làng Bang nằm gần bến đò Bang, nơi kết nối vùng thuỷ nội địa của Hoành Bồ với Hòn Gai xưa. Năm 1997-1998, qua khảo sát tại đây đã cho thấy có nhiều lớp ngói, gạch thời Trần, Lê; cùng với 24 chân tảng bằng đá. Năm 2018, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học KHXH-NV tiến hành khai quật di tích Đình Làng Bang. Kết quả, tại Đình Làng Bang có các loại hình di vật của thời Trần thế kỷ 13-14, thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17-18 và thời Nguyễn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, trong đó, các di vật thời Trần có số lượng và mật độ lớn nhất, diện phân bố rộng nhất.
Dựa trên sự phân bố di vật của thời Trần ở đây bước đầu có thể xác định, Đình Làng Bang là một quần thể kiến trúc có quy mô lớn được xây dựng trên một đồi thấp nằm liền sát với vịnh Cửa Lục với quy mô mỗi chiều khoảng 800 – 1.000m. Qua đó minh chứng cho vị trí và vai trò vùng đất Thống Nhất ngày nay nói riêng, TP Hạ Long nói chung trong lịch sử với vai trò là cửa ngõ quan trọng của Đại Việt.
Ngày 14/10/2020, Đình Làng Bang được công nhận là di tích lịch sử, nằm trong danh mục Di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 3929/QĐ-UBND.
Tuy nhiên theo thời gian, di tích đã bị xuống cấp, hư hỏng do tác động của thời tiết, môi trường và sự thiếu hụt về kinh phí bảo tồn.
Xác định được tầm quan trọng của ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa của Đình Làng Bang và nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; TP Hạ Long đã chỉ đạo các phòng, ban nghiên cứu lập phương án quy hoạch dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi với mục tiêu đồng bộ về hạ tầng, cảnh quan khu vực và đặc biệt để giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, du khách. Đồng thời nhằm hình thành và phát triển thêm một sản phẩm du lịch mới của thành phố.
Theo quy hoạch, diện tích khu vực lập dự án là 3.065 m2. Dự án sẽ tiến hành phục hồi Đại Đình (trên nền đình cũ) theo kiến trúc của ngôi đình làng truyền thống Bắc Bộ và có các hạng mục phụ trợ khác được bố trí ở các vị trí phù hợp trong tổng thể khu di tích.
Đặc biệt, dự án sẽ sử dụng 100% nguồn kinh phí xã hội hóa do UBND xã Thống Nhất làm chủ đầu tư. Để chuẩn bị các điều kiện triển khai và nguồn lực của dự án, ngay từ đầu năm 2024, TP Hạ Long đã thành lập Ban vận động huy động nguồn lực xã hội hóa. Tính đến thời điểm này, số tiền mà Ban vận động đã tiếp nhận được là trên 3 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân địa phương, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Hạ Long “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”, xây dựng Hạ Long trở thành thành phố Di sản, thành phố của hoa và lễ hội.