Thời gian qua tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đang gặp những khó khăn, vướng mắc.
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nhà máy chế biến nông sản, tạo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của tỉnh do doanh nghiệp sản xuất, ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Một số nhà đầu tư lớn triển khai các dự án trọng điểm, như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều; sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản; khu phức hợp sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, chế biến thức ăn và thủy sản, đều tại huyện Đầm Hà…
Từ năm 2019 đến nay tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất: Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh; Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp những vướng mắc. Đó là điều kiện của các nhóm hộ, HTX đăng ký thực hiện các dự án theo từng chương trình MTQG không đáp ứng được tỷ lệ tối thiểu; trong đó người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 50%, địa điểm sản xuất không thuộc địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn, nên không đủ điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, một số cộng đồng dân cư có khả năng thực hiện các dự án phát triển sản xuất, nhưng chưa đảm bảo điều kiện hỗ trợ do không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương hoặc không đảm bảo tỷ lệ tham gia của người dân thuộc đối tượng đầu tư của chương trình MTQG.
Khó khăn nhất hiện nay là tại các địa phương không tìm được doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân làm chủ dự án liên kết để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện dự án liên kết chuỗi giá trị theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND, do chưa đáp ứng đủ điều kiện năng lực để triển khai các dự án liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo phát huy được hiệu quả; các quy định đối với dự án liên kết chuỗi đều gắn vào dự án hỗ trợ sau đầu tư, nên các doanh nghiệp, HTX muốn tham gia phải có tiềm lực kinh tế, có kiến thức để thực hiện các thủ tục đầu tư. Như vậy các doanh nghiệp nhỏ, HTX, tổ hợp tác tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh rất khó tham gia.
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh trong giai đoạn 2021-2023 hỗ trợ 46 dự án cấp huyện cho khoảng 762 cá nhân, tổ chức tại một số địa phương theo Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND (chủ yếu là Bình Liêu và Ba Chẽ), tổng kinh phí phê duyệt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới có 28 dự án được phê duyệt thụ hưởng chính sách với gần 5,4 tỷ đồng.
Với những khó khăn trong giải ngân nguồn vốn hỗ trợ sản xuất rất cần sự tháo gỡ của tỉnh, các ngành liên quan. Qua đó sẽ góp phần tạo nền tảng vững vàng để ngành nông nghiệp của tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển thời gian tới.