Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hải Hà vững vàng tâm thế chinh phục những mục tiêu vươn tầm trong năm mới 2024.
Dấu ấn 2023
Tài nguyên thiên nhiên phong phú, địa hình đa dạng với cả đồng bằng, miền núi và hải đảo; Cửa khẩu Bắc Phong Sinh thông thương với khu Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc); KCN Cảng biển Hải Hà kết nối với KKT Vân Đồn, KKT Cửa khẩu Móng Cái là 2 mũi đột phá của tỉnh… Đây là những lợi thế khác biệt để Hải Hà có nhiều bứt phá toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội trong những năm gần đây. Năm 2023 tiếp tục là một năm ghi nhiều dấu ấn với những kết quả đạt được nổi bật. Đặc biệt sau 2 năm được công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay huyện cơ bản hoàn thành toàn bộ các tiêu chí, chỉ tiêu huyện NTM nâng cao.
Các mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại, có hàm lượng KHCN, sản xuất có tính liên kết, theo chuỗi… được khuyến khích nhân rộng. Toàn huyện hiện có 24 tổ chức, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP với tổng số 40 sản phẩm OCOP, trong đó 24 sản phẩm đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên, 1 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia (trà hoa vàng Quy Hoa). Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, các công trình thương mại phục vụ dân sinh phát triển, các thiết chế văn hóa được đầu tư; mạng lưới giao thông từ đô thị đến nông thôn được hoàn thiện, bê tông hóa, đảm bảo thông suốt. Đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú hơn, dần hình thành chuẩn mực con người Hải Hà “Năng động – Sáng tạo – Hào sảng – Lành mạnh – Văn minh – Thân thiện”.
Vươn tầm cao mới năm 2024
Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Hải Hà xác định phát triển trở thành hậu phương của trung tâm kết nối Trung Quốc – ASEAN. KKT Cửa khẩu Móng Cái (bao gồm 17 xã, phường của TP Móng Cái; 5 xã, thị trấn của huyện Hải Hà) được quy hoạch là KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Để cụ thể hóa mục tiêu dài hạn, huyện xác định chủ đề công tác năm 2024 là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh; tập trung thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách”. Trong đó phấn đấu: Nâng mức thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 89,6 triệu đồng; nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt 36,3%; tạo ra ít nhất 1.400 việc làm tăng thêm; không còn hộ nghèo, giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; 6 xã NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58% và nâng cao chất lượng rừng…
Huyện xác định rõ những “mũi tiến công” trọng tâm, trọng điểm. Về kinh tế, huyện tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế. Trong đó trọng tâm là nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Xác định đúng đột phá chiến lược để tập trung nguồn lực thực hiện, góp phần quan trọng để giải phóng tiềm năng phát triển của địa phương. Trong năm 2024 huyện tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược. Cụ thể: Huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo chuyển biến mới trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo…
Năm 2024 bên cạnh những thuận lợi và cơ hội mới là những khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện đoàn kết, phấn đấu, phát huy tốt hơn những thành tựu đã đạt được trong năm qua. Động lực cho những nỗ lực ấy được bắt nguồn từ tình yêu và niềm tự hào về vùng đất và quê hương giàu truyền thống; từ trách nhiệm, tâm huyết của mỗi cán bộ, đảng viên đặt trong từng nhiệm vụ được giao.