Ngày 1/1, ngày đầu tiên của năm mới 2024, tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức khánh thành cầu Bình Minh (cầu Cửa Lục 3), cây cầu thứ 2 nối hai khu vực Hạ Long – Hoành Bồ sau 4 năm sáp nhập.
Dự lễ khánh thành có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đông đảo nhân dân TP Hạ Long.
Để đảm bảo việc kết nối liên thông, tổng thể, tăng cường liên kết vùng giữa các khu vực TP Hạ Long; bám sát Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2040 lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới và các vùng núi phía Bắc thành phố, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng cầu Bình Minh.
Cầu bắc qua sông Diễn Vọng (Vịnh Cửa Lục) có chiều dài hơn 2,6km, thiết kế 6 làn xe, điểm đầu đấu nối tuyến đường trục chính Khu đô thị FLC tại phường Hà Khánh, điểm cuối giao với QL279, thuộc địa phận xã Thống Nhất (TP Hạ Long). Công trình được đánh giá có những đột phá trong ngành xây dựng cầu Việt Nam. Là cầu đầu tiên của tỉnh với 6 làn xe cơ giới, kết cấu 1 vòm thép, hai bên cầu có vỉa hè cho người đi bộ, có sàn vọng cảnh và bồn hoa tạo cảnh quan du lịch. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, triển khai từ cuối năm 2020.
Để tránh ảnh hưởng, tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực, Quảng Ninh đã quyết định điều chỉnh thiết kế hướng tuyến bám theo hệ thống lạch sông. Bằng cách thay phần đường dẫn bằng cầu dẫn và dịch sang hướng khác bám theo lạch sông đã hạn chế tác động đến khoảng 70% diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng so với thiết kế ban đầu là làm đường dẫn. Điều này giúp cơ bản giữ nguyên được hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực.
Trong quá trình triển khai, dự án phải thi công trong điều kiện hết sức khó khăn do đây là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức thi công gắn liền với phòng dịch khiến việc huy động nhân công khó khăn; công tác bàn giao mặt bằng chậm; nguồn vận liệu khan hiếm, giá cả leo thang… Tuy nhiên, chủ đầu tư và các nhà thầu đã áp dụng, triển khai nhiều biện pháp thi công phù hợp, huy động tối đa các loại máy móc, thiết bị, đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm cùng đội ngũ công nhân lành nghề để vừa đảm bảo chất lượng thi công, vừa đảm bảo tiến độ, giảm thiểu tác động môi trường.
Sau 3 năm thi công, cầu hoàn thành, đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo nhân dân, góp phần phát triển và mở rộng không gian đô thị nhằm thu hút đầu tư vào các KCN, các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP Hạ Long, tạo động lực phát triển KT-XH, nhất là khu vực Hoành Bồ (cũ) sau khi sáp nhập vào TP Hạ Long. Đồng thời, giảm tải lưu lượng thông qua cầu Bãi Cháy và QL18 đoạn khu vực nội thị thành phố, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân được thuận lợi, an toàn trong mùa mưa bão. Công trình còn là điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, là điểm tham quan cho du khách.
Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, sớm hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và du khách.
Khẳng định chủ trương của tỉnh về phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông tổng thể, đồng chí nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng, phát triển, những năm vừa qua, với vai trò, trách nhiệm của một địa phương được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dứt điểm các công trình dự án động lực, trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.
Để hoàn thành cầu Bình Minh đáp ứng tiến độ, các nhà thầu đã phải huy động tối đa các loại máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, huy động hệ thống máy móc thiết bị thi công cọc khoan nhồi có kích thước lớn, vòm thép nhồi bê tông có khối lượng lớn. Công trình đã phải huy động đội ngũ kỹ sư hàng đầu có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu cùng đội ngũ công nhân lành nghề để vừa đảm bảo chất lượng thi công, vừa đảm bảo an toàn lao động và thẩm mỹ.
Cây cầu được lấy ý kiến nhân dân đặt tên là cầu Bình Minh, thể hiện cho sự kết nối, gắn bó giữa 2 bờ vịnh Cửa Lục, cùng hướng tới phát triển xây dựng TP Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia, vươn tầm quốc tế. Việc đưa cầu Bình Minh vào sử dụng và cùng với cầu Tình Yêu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo Quy hoạch chung TP Hạ Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển và mở rộng không gian đô thị nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội… Sự hiện diện của các cây cầu trên vịnh Cửa Lục sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho TP Hạ Long; kết nối, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, dịch vụ rừng – biển, khai thác các giá trị văn hóa bản địa giàu bản sắc, cảnh quan sinh thái đa dạng của các xã vùng cao TP Hạ Long, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có sức cạnh tranh và thương hiệu.
Để công trình khai thác tối đa hiệu quả, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư cùng các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát kiểm tra, rà soát và hoàn tất các thủ tục để bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Giao Sở GTVT tham mưu cho tỉnh để chỉ đạo và giao tiếp nhận quản lý, bảo trì, vận hành công trình phát huy hiệu quả đầu tư.
Ngay sau lễ khánh thành, rất đông người dân, du khách đã đến trải nghiệm, tham quan, ngắm cảnh tại khu vực 2 bên cầu. Nhiều người dân đã bày tỏ đồng tình, hài lòng và tự hào với chủ trương, định hướng, cách làm về phát triển trục cảnh quan đẹp của tỉnh Quảng Ninh.