Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản là mục tiêu dài hạn và bền vững mà TP Hạ Long đang hướng tới. Trong đó, phát triển du lịch là mũi nhọn quan trọng, từ đó, đưa Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.
Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm trên Vịnh Hạ Long.
Năm qua là một năm đáng nhớ với du lịch TP Hạ Long khi hàng loạt sự kiện lớn về văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức, thu hút hàng nghìn du khách. Trong đó, phải kể đến lễ hội Carnaval – sự kiện đã gắn với thương hiệu của TP Hạ Long. Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội được biểu diễn bằng hình thức nghệ thuật sân khấu thực cảnh trên biển, với những công nghệ hiện đại nhất. Hơn 5.000 người dân và du khách đã đến chiêm ngưỡng màn đồng diễn trên cát, trên biển của 2.000 diễn viên chuyên và không chuyên cùng hàng trăm phương tiện tàu, thuyền, qua đó, đã tạo nên một vũ điệu di sản Carnaval Hạ Long hoàn hảo nhất.
Ngoài ra, với định hướng từ Đề án “Hạ Long – Thành phố lễ hội”, hàng loạt các sự kiện quy mô, hấp dẫn đã tạo được ấn tượng sâu sắc với du khách như: Lễ hội xe Fun Wheels Festival Hạ Long 2024; lễ hội thuyền buồm, dù lượn, mô tô nước Hạ Long 2024; lễ hội khinh khí cầu Hạ Long 2024 hay các giải chạy được tổ chức liên tục bên bờ Di sản. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các chương trình âm nhạc tại Đồi Mặt Trời, tổ hợp ngọn Hải Đăng, Lulalu coffee, Hamony hill với sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng để thúc đẩy kích cầu du lịch.
Chương trình âm nhạc được tổ chức bên bờ Di sản Vịnh Hạ Long.
Năm 2024, thành phố cũng đã chủ động phát triển 7 sản phẩm du lịch mới như: Tổ hợp vui chơi giải trí ngọn Hải Đăng; sản phẩm du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên Vịnh Hạ Long; sản phẩm lưu trú đẳng cấp; phiên chợ “Ký ức xưa”; tổ hợp vui chơi giải trí Kim Cương (Tuần Châu); mô hình du lịch cộng đồng; phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy. Ngoài ra, thành phố đã tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng các sản phẩm mới như: Phố đi bộ, ẩm thực VuiFest; Phiên chợ Ký ức tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; các tàu lưu trú, nhà hàng đẳng cấp mới đi vào hoạt động…
Bên cạnh việc khai thác thế mạnh của Vịnh Hạ Long hay các tour du lịch biển đảo, thành phố đã phát triển sản phẩm du lịch tại các xã vùng miền núi phía Bắc của thành phố như: Kỳ Thượng, Đồng Sơn để tạo sự lựa chọn đa dạng cho du khách. Ông Nguyễn Đình Long, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Quảng Ninh, cho biết: Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp, nông thôn được đầu tư rất bài bản, tạo sức hút với du khách, nhất là dòng khách quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động kết nối các công ty lữ hành, cung cấp các thông tin về sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng… tại quầy thông tin du lịch của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long để quảng bá đến du khách. Nhiều đoàn khách sau khi trải nghiệm đều có phản hồi tốt. Họ bất ngờ vì được tìm hiểu văn hóa dân tộc độc đáo nơi đây và mong muốn được quay trở lại để khám phá thêm các điểm đến khác của Hạ Long.
Hội làng Bằng Cả năm 2024 tổ chức tại Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Ảnh: Trung tâm TT-VH TP Hạ Long
Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, ngành Du lịch thành phố đã chủ động gắn mã QR cho 18/18 điểm du lịch; làm việc với các công ty giải pháp về công nghệ để nghiên cứu hình thành trang thông tin du lịch và số hoá một số điểm đến. Cùng với đó, tăng cường giám sát, kiểm tra, cương quyết xử lý dứt điểm một số vụ việc như: Tour thăm đảo hoang, câu mực đêm, bán hàng rong… để đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, xây dựng điểm đến thân thiện, an toàn. Với sự nỗ lực của chính quyền, các doanh nghiệp du lịch, năm 2024, TP Hạ Long đón khoảng 10,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 22% so cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 23.320 tỷ đồng. Đến năm 2025, thành phố đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 3 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 26.500 tỷ đồng.
Lấy định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của TP Hạ Long làm “kim chỉ nam”, ngành Du lịch tập trung xây dựng đa dạng các giải pháp. Trong đó, lấy Vịnh Hạ Long làm trung tâm, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, vừa kết nối, mở rộng các vệ tinh du lịch lân cận. Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các đề án về xây dựng Hạ Long trở thành “Thành phố của hoa” và “Thành phố của lễ hội”; tổ chức 18 chương trình, sự kiện, hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao, thương mại trọng tâm thu hút khách du lịch; tiếp tục đưa vào 10 sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, khai thác, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của khu vực phía Bắc; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ độc đáo, tính cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí; sản phẩm ngắm cảnh đêm ven bờ Vịnh Hạ Long. Đồng thời, đầu tư hoàn thiện hạ tầng công trình phụ trợ phục vụ du lịch, dịch vụ như: Nhà vệ sinh, bãi đỗ xe công cộng, phương tiện giao thông trong nội thị, kết nối giữa các khu, điểm du lịch. Thành phố sẽ tăng cường giới thiệu, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội, cũng như đẩy mạnh liên kết giữa ngành du lịch và các ngành, lĩnh vực khác, giữa Hạ Long và các địa phương trong, ngoài tỉnh./.