Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 15/9, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Tính đến sáng ngày 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập úng do hoàn lưu sau bão đã làm 348 người chết và mất tích, trong đó 281 người chết và 67 người mất tích. Hội nghị đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến 6 giờ sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu con gia cầm, gia súc bị chết…
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; nhiều biển hiệu quảng cáo, cột điện, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ. Nhiều địa phương bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Tại tỉnh Quảng Ninh, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra rất nặng nề, ước tính sơ bộ toàn tỉnh khoảng 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc. Trong đó, có 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm. Hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.500 ha lúa bị ngập; hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 90.000 ha rừng bị thiệt hại…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để khắc phục hậu quả, toàn tỉnh đã huy động gần 70.700 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn; 110 lượt máy xúc; 465 lượt tàu, xuồng để tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, nhất là trên biển; hỗ trợ người dân dọn dẹp sau bão; tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp tích cực với ngành điện, viễn thông khắc phục hệ thống điện và viễn thông bị tê liệt trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức di dời 3.155 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn; tìm kiếm và cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt trên biển, trú ẩn, bị kẹt trên các đảo về bờ; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời những gia đình có người thiệt mạng. Thực hiện cấp điện lưới cho 70% khách hàng; khôi phục sóng di động, mạng internet đạt 100%.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh đã được khôi phục trở lại. Toàn bộ ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã trở lại hoạt động bình thường. Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thông quan trở lại từ ngày 9/9/2024. Một số cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch đã hoạt động trở lại và mở cửa đón khách du lịch. Trong 2 ngày (12 và 13/9), tỉnh đã đón gần 10.000 khách du lịch, trong đó có khoảng 7.000 khách du lịch quốc tế. Toàn tỉnh đã cơ bản ổn định tổ chức dạy học; 100% cơ sở y tế trên toàn tỉnh đã khám, chữa bệnh cho người dân trước, trong và sau bão.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung rà soát, thống kê các thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra; phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng để thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại. Tỉnh cũng tập trung xây dựng một số cơ chế chính sách hỗ trợ riêng có của tỉnh, trong đó tập trung vào các đối tượng bảo trợ xã hội, miễn giảm học phí, bổ sung tiền vào ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; sửa chữa nhà ở… Đồng thời, tỉnh cũng rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn; phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số trong năm 2024.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cũng nêu một số đề xuất với Chính phủ. Trong đó, đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ; chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ trồng rừng vay vốn. Đề nghị cho tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp lâm nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên biển…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm, chủ động của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã nỗ lực triển khai các biện pháp ứng phó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra. Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân tham gia khắc phục hậu quả của bão, lũ với tinh thần tin tưởng vào Đảng và Nhà nước trong việc xử lý các tình huống thiên tai.
Sau khi chỉ rõ những khó khăn, nêu lên các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão số 3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiệm vụ cấp bách hiện nay vẫn phải tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão. Trong đó, tập trung công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ người dân; rà soát, tìm kiếm, tiếp cận những nơi còn chia cắt để hỗ trợ người dân, đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động cả hệ thống chính trị dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo hệ thống điện, thông tin liên lạc thông suốt.
Để ổn định tình hình nhân dân, các ngành, địa phương phải nhanh chóng thống kê thiệt hại của nhân dân để hỗ trợ ngay cho người dân theo chính sách hiện có; tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên; hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại xây dựng, sửa chữa nhà ở; sửa chữa các cơ sở trường học để đảm bảo các cháu đến trường trong tháng 9; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội không để ai bị bỏ lại phía sau. Nghiên cứu miễn giảm học phí cho các cháu học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.
Cùng với tập trung khắc phục hậu quả, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương chỉ đạo khôi phục sản xuất kinh doanh. Trong đó, phải rà soát thống kê thiệt hại để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nông, lâm, nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khôi phục sản xuất; đồng thời, không để đứt gãy sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp tại các KCN. Có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải. Nghiên cứu có chính sách hoãn, giãn, khoanh nợ; chính sách miễn, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Để đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, khai thác khoáng sản; đảm bảo cung ứng xăng dầu, điện, hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ giá cả. Tập trung đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng; có biện pháp kích thích tiêu dùng; mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tái cơ cấu sản xuất kinh doanh. Xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích một số ngành tăng tốc, bứt phá.
Cùng với đó, quan tâm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường các hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.