Hồi tháng 6, Đoàn Trang có cơ hội thăm Khả Khả Tây Lý, vùng đất khắc nghiệt không người sống trên cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng.
Nằm ở độ cao trung bình 4.500 m so với mực nước biển, Thanh Hải – Tây Tạng là cao nguyên cao nhất hành tinh, còn được gọi là “nóc nhà của thế giới”. Cao nguyên trải dài trên diện tích 1,2 triệu km2, chiếm 1/8 diện tích Trung Quốc, được bao quanh bởi các dãy núi Himalaya, Côn Lôn, Kỳ Liên Sơn và các đỉnh núi cao: núi Everest và núi K2 (cao thứ hai thế giới sau đỉnh Everest).
Vùng đất Hy Nhĩ hay còn gọi là Khả Khả Tây Lý thuộc phần tây bắc cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, rộng 450.000 m2, ở độ cao 4.600 m so với mực nước biển và lạnh nhất cao nguyên. Khu vực ít dân cư nhất châu Á, đứng thứ ba trên thế giới sau Bắc Greenland và Nam Cực.
Cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng là đầu nguồn của ba con sông lớn là Mekong, Dương Tử và Hoàng Hà. Nơi đây cũng được gọi là “cực thứ ba của Trái Đất” vì chứa trữ lượng nước ngọt lớn thứ ba sau Bắc Cực và Nam Cực.
Trong thời gian ở Thanh Hải từ 4 đến 16/6, Đoàn Trang, 28 tuổi, đã ghé thăm Khả Khả Tây Lý. Vùng đất này là khu bảo tồn quốc gia, vì vậy du khách không được tự ý tham quan. Trang, freelancer người Việt đang sinh sống ở Tokyo, Nhật Bản, cho biết cô phải đến đồn cảnh sát khu vực đăng ký mới được phép tiến vào “lãnh địa không người sống” này.
Từ Khúc Mã Lai (tỉnh Thanh Hải), huyện gần nhất di chuyển đến Khả Khả Tây Lý là hơn 300 km. Và vì không thể nghỉ qua đêm tại đây nên quãng đường cả đi cả về trong ngày của Trang là hơn 600 km.
Vùng cao nguyên có sự chênh lệch nhiệt độ lớn (trên 15 độ C). Ban đêm đường đóng băng, co lại do lạnh, ban ngày dưới nhiệt độ cao lại nở ra. Do vậy mặt đường trồi sụt liên tục, uốn lượn như đồ thị hình sin, xe chạy bập bềnh như đi trên sóng. Di chuyển cự ly dài trên địa hình cao hơn 4.500 m, Trang cho biết đây là ngày cực nhất trong cả hành trình.
“Đọc truyện Mật mã Tây Tạng, Khả Khả Tây Lý được miêu tả với khung cảnh thiên nhiên sông băng núi tuyết, khí hậu khắc nghiệt, người không thể sống nổi. Vì vậy, tôi quyết định đến nơi này để trực tiếp trải nghiệm”, Trang nói.
“Vùng cấm của sự sống” Khả Khả Tây Lý có điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt. Trên vùng cao nguyên cao nhất hành tinh, bức xạ mặt trời mạnh, hàm lượng oxy thấp hơn 35% – 40% so với đồng bằng. Nhiệt độ trung bình năm từ -2,4 đến -12,1 độ C. Mùa khô dài và nhiều gió. Mùa đông và mùa xuân, Tây Tạng xuất hiện mưa đá nhiều nhất Trung quốc. Cùng với đó là nhiều hiện tượng thời thiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, mưa tuyết, bão cát, băng giá, sét thường xuyên xuất hiện.
“Những km đầu gần khu dân cư, cỏ trên thảo nguyên còn xanh mướt, vẫn thấy những đàn bò Yak nhẩn nha gặm cỏ”, Trang chia sẻ. Bò Yak là động vật đặc trưng của vùng núi Himalaya. Sống ở độ cao gần 5.000 m, để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt, bò Yak Tây Tạng có bộ lông dày và dài “đến nỗi gần như che mất phần chân”.
Lái xe người bản địa của Trang cho biết những đàn bò Yak ở đây được dân du mục chăn thả tự do. Chúng có giá khoảng một vạn tệ (hơn 30 triệu đồng) một con.
Trong suy nghĩ của Trang, hình ảnh về cao nguyên là những đồng cỏ trải dài, xanh mướt. Nhưng càng đi sâu vào cao nguyên, sự khắc nghiệt của vùng này càng rõ rệt.
Trên thảo nguyên rộng lớn, lác đác một vài nơi cỏ mọc xanh, còn lại là đất trống hay những thảm cỏ vàng úa, khô cằn. Dù đang là mùa hè, nhiệt độ tại đây vẫn ở mức dưới 0 độ C, lớp băng vĩnh cửu bám dày trên đỉnh những ngọn núi.
Lượng mưa hàng năm ở cao nguyên Tây Tạng chỉ khoảng 10 – 30 cm và chủ yếu là mưa đá. Do độ cao lớn và lượng mưa thấp, sự đa dạng về động và thực vật trên cao nguyên giảm đi đáng kể.
Loài động vật nổi tiếng nhất của Khả Khả Tây Lý là linh dương Tây Tạng, động vật sách đỏ của Trung Quốc. Linh dương Tây Tạng được đúc tượng đặt cạnh đài tưởng niệm vị anh hùng Suonan Dajie tại đây.
Trên đường đi, Trang bắt gặp vài con linh dương. Nhờ đi cùng lái xe có kinh nghiệm nên Trang có thể quan sát được chúng do mùa hè, lông của linh dương hòa với màu đất thảo nguyên nên rất khó phân biệt. “Linh dương đực dễ nhận biết hơn vì chúng có chiếc sừng nhọn và dài trên đỉnh đầu”, Trang cho biết.
Theo thông tin từ tài xế, nếu sâu vào bên trong cao nguyên sẽ có nhiều động vật hơn. Tuy nhiên, theo quy định của Khu bảo tồn, xe du lịch không được đi ra khỏi phạm vi đường bê tông.
“Thật tiếc vì đến tận đây rồi mà tôi không thể lái xe việt dã xuyên cao nguyên ngắm thú như trong truyện”, Trang chia sẻ.
Trong chuyến đi, cô còn thấy một số loài động vật như cáo Tây Tạng (ảnh), lừa hoang, bò Yak, sếu cổ đen, vịt sông Dương Tử và chó ngao Tây Tạng. Cao nguyên Tây Tạng đang sở hữu 80% số lượng linh dương Tây Tạng, 80% số sếu cổ đen và 78% số bò Tây Tạng (bà Yak) hoang dã trên toàn thế giới.
Cao nguyên Tây Tạng là nơi lý tưởng để đông trùng hạ thảo phát triển và cho chất lượng tốt nhất, được hình thành từ sự kết hợp giữa ấu trùng bướm và một loài nấm ký sinh. Đây là loại dược liệu tự nhiên có nhiều công dụng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.
Thời điểm lý tưởng nhất để khai thác đông trùng hạ thảo Tây Tạng là vào mùa hè (khoảng tháng 5) khi mầm nấm trồi lên khỏi mặt đất. Trên đường về, Trang làm quen với một gia đình người Tạp Đa đang tìm đông trùng hạ thảo Tây Tạng (ảnh).
Đông trùng hạ thảo được bày bán tại quảng trường huyện Tạp Đa (Thanh Hải).
Mùa hè (khoảng tháng 6, 7) là lúc nền nhiệt cao nhất, thích hợp cho các trải nghiệm tại cao nguyên Tây Tạng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, du khách nên hạn chế đến.
Do khu vực Khả Khả Tây Lý không có sóng điện thoại, không có người ở, Trang khuyên du khách nên thuê xe kèm tài xế bản địa toàn hành trình. Gần đây, có khá nhiều địa điểm du lịch cấm người nước ngoài hoặc cần phải xin giấy phép ít nhất trước một tháng nên cần trao đổi trước với tài xế.
Trong chuyến đi, Trang đã có những trải nghiệm đặc biệt như trò chuyện với những người hành hương, người đào đông trùng hạ thảo, thăm các ngôi đền của người Tạng, xem các thầy làm lễ. Với chi phí hơn 40 triệu đồng, Trang cảm thấy hài lòng và cho biết “đây là nơi duy nhất ở Trung Quốc sẵn sàng quay lại lần hai để khám phá tiếp”.