“Quảng cáo không chỉ đơn giản là những tác phẩm sáng tạo được sản xuất hàng loạt, tiêu thụ rồi biến mất, mà còn là thông tin, nghệ thuật, giải trí và văn hóa” – với quan điểm ấy, Hàn Quốc đã xây dựng Bảo tàng Quảng cáo. Đến Bảo tàng, du khách có thể hiểu hơn về lịch sử xã hội và văn hóa Hàn Quốc ở mỗi thời kỳ thông qua quảng cáo; tìm hiểu những quảng cáo nổi tiếng và kinh nghiệm về sản xuất quảng cáo…
Quảng cáo hiện đại được du nhập vào Hàn Quốc vào năm 1876 với việc ký kết Hiệp ước Hòa bình. Cùng với sự du nhập của văn hóa phương Tây, báo chí đã được xuất bản và quảng cáo xuất hiện. Quảng cáo hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc là trên Tuần báo Hanseong vào ngày 22/2/1886. Đó là một quảng cáo có tựa đề “Lời thú tội của Deoksangse Changyang” được đăng trên tạp chí Hanseong Chu số 4.
Quảng cáo hiện đại và đương đại của Hàn Quốc đã tồn tại hơn 100 năm và chia ra nhiều giai đoạn suy thoái, hưng thịnh khác nhau tùy theo mỗi giai đoạn lịch sử. Giờ đây Hàn Quốc đã trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển ngành quảng cáo.
Bảo tàng Quảng cáo Hàn Quốc được Cơ quan Xúc tiến Quảng cáo Phát thanh Truyền hình Hàn Quốc khai trương tại Jamsil, Songpa-gu, Seoul, vào ngày 7/11/2008 nhằm cung cấp cái nhìn bao quát về 120 năm quảng cáo hiện đại và đương đại của Hàn Quốc. Bảo tàng là nơi để trao đổi, chia sẻ thông tin và nội dung quảng cáo cho các nhà quảng cáo, người yêu thích quảng cáo, đồng thời là địa điểm giáo dục và trải nghiệm, giải trí để du khách hiểu thêm về giá trị của quảng cáo.
Với diện tích 912m2, Bảo tàng nằm ở tầng 3 của Trung tâm Văn hóa Quảng cáo, trong đó Phòng triển lãm rộng 667m2.
Bảo tàng gồm 8 khu triển lãm, như: Rạp chiếu phim “Nguồn gốc của quảng cáo”; Lịch sử văn hóa và xã hội Hàn Quốc thông qua quảng cáo; Quảng cáo làm thay đổi thế giới; Câu chuyện sản xuất quảng cáo; Trải nghiệm quảng cáo; Tập đoàn Quảng cáo Phát thanh Truyền hình Hàn Quốc và quảng cáo dịch vụ công cộng; Rạp chiếu phim “Tương lai của quảng cáo”; Khu lưu trữ kỹ thuật số quảng cáo.
Đến Bảo tàng Quảng cáo Hàn Quốc, người xem được tiếp cận nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng về quảng cáo của Hàn Quốc qua các thời kỳ; nghe những câu chuyện về quá trình sản xuất quảng cáo; xem những quảng cáo nổi tiếng được công chúng quan tâm…
Bảo tàng còn có thư viện quảng cáo kỹ thuật số, đã thực hiện chuyển đổi trên 45.000 quảng cáo hiện đại và đương đại của Hàn Quốc (gồm quảng cáo truyền hình, quảng cáo trên đài phát thanh, quảng cáo in, quảng cáo ngoài trời và quảng cáo trên Internet) sang định dạng kỹ thuật số. Đây là nguồn tư liệu quý giá để các chuyên gia quảng cáo tham khảo, đồng thời góp phần phát triển văn hóa và ngành quảng cáo.