Là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời, Quảng Ninh hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, đồng thời là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”. Vì vậy, Quảng Ninh có nhiều lợi thế về “vốn văn hóa” để phát triển các sản phẩm dịch vụ gắn với ngành công nghiệp văn hóa.
Khai thác tiềm năng này, có thể nói Yên Tử là một thành công điển hình trong việc chung tay bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, trở thành điểm du lịch trọng yếu của Quảng Ninh. Mười năm qua, hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và các điểm di tích tại đây, trong đó có nguồn vốn lớn của doanh nghiệp đầu tư hệ thống cáp treo, Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm dưới chân núi và hệ thống sản phẩm dịch vụ đi kèm. Hằng năm, Yên Tử đón trung bình 1 triệu lượt khách, ở cả 4 mùa trong năm, chiếm số lượng đáng kể trong tổng lượng khách du lịch tâm linh tại Quảng Ninh.
Không chỉ Yên Tử mà hàng loạt các khu di tích, danh thắng khác trên địa bàn cũng phát triển, định hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ văn hoá gắn với du lịch, như: Khu di sản nhà Trần (Đông Triều), chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Lôi Âm, chùa Long Tiên (Hạ Long), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (Vân Đồn)… Theo đó, các công trình chủ yếu được xã hội hoá đầu tư khang trang, mở rộng khuôn viên cây xanh tạo thành sản phẩm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương.
Các sản phẩm văn hóa phi vật thể cũng được khai thác, trở thành các sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc văn hóa miền đất, con người Quảng Ninh. Tiêu biểu là hệ thống hơn 70 lễ hội, tập trung vào lễ hội dân gian truyền thống, tổ chức vào mùa xuân, rồi các lễ hội hiện đại theo phong cách quốc tế, lễ hội văn hoá – thể thao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Một số địa phương từng bước khai thác lợi thế phát triển làng nghề thủ công truyền thống về gốm sứ (Đông Triều), đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ (Quảng Yên), nuôi cấy ngọc trai (Vân Đồn)… theo hướng vừa sản xuất kinh doanh vừa phục vụ trải nghiệm du lịch.
Trong những năm qua, tỉnh luôn tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào Quảng Ninh nhằm nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao. Đặc sắc có thể kể tới chuỗi các hoạt động vui chơi, giải trí tại Công viên Sunworld Hạ Long, khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Yoko Onsen tại TP Cẩm Phả; chuỗi các khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, sân golf; các trung tâm thương mại, cùng với nhiều tổ hợp công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí khác.
Hiện nay, 4 dòng sản phẩm du lịch chính của tỉnh là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng, sinh thái và du lịch biên giới đang được khai thác hiệu quả dựa trên những giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đặc trưng của 4 vùng du lịch trọng điểm trên địa bàn. Ngoài điểm đến di sản Vịnh Hạ Long, còn có nhiều di sản đã trở thành những điểm du lịch trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của nhiều địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa, di sản của tỉnh, như “Một ngày làm ngư dân”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân Phật hoàng”… rất được du khách yêu thích.
Đánh giá về hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ văn hoá trong thời gian tới, TS Lê Tuấn Vinh, Học viện Chính trị khu vực I, khi tham gia hội thảo khoa học Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững vào tháng 9 vừa qua, nhấn mạnh: Quảng Ninh cần có định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh với những chiến lược lâu dài, bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa lợi nhuận về kinh tế với gìn giữ nét văn hóa địa phương. Trong xác định cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa ở địa phương, cần phân định rõ các ngành mũi nhọn, có ưu thế cạnh tranh, phát triển và phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Bên cạnh đó, xác định cơ cấu vùng trong phát triển công nghiệp văn hóa cũng là một hướng đi quan trọng, trong giai đoạn phát triển phôi thai như hiện nay, có thể hình thành các mô hình “làng nghề du lịch”, “khu phố sáng tạo” kết hợp đồng bộ giữa vấn đề sản xuất – kinh doanh – du lịch… Việc tổ chức, kết cấu và vận hành của công nghiệp văn hóa phải chủ yếu dựa vào thị trường để điều tiết cho phù hợp. Đồng thời, từng bước nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa của quần chúng vốn là đối tượng phục vụ chính, gắn liền với sự phát triển của văn hóa đại chúng. Công tác này cần được tiến hành sâu rộng ở mọi tầng lớp, lứa tuổi trong xã hội, nhất là đối với giới trẻ – bộ phận đông đảo trong xã hội, thị trường tiềm năng đối với nhiều loại hình công nghiệp văn hóa của Quảng Ninh…