Từ một địa phương có hạn chế về hạ tầng giao thông, đến nay Quảng Ninh sở hữu đa dạng loại hình giao thông đồng bộ, có sân bay, cảng tàu quốc tế, cao tốc dọc tỉnh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT (ảnh), về việc phát huy hiệu quả các loại hình giao thông, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thời gian tới.
– Ông cho biết tổng quan về hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ninh hiện nay?
+ Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại với 5 phương thức vận tải đang khai thác là đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và hàng không. Cụ thể, tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh khoảng 6.500km; trong đó tuyến cao tốc từ Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn dài 176km, 7 tuyến quốc lộ. 14 tuyến tỉnh lộ và hệ thống đường huyện, đường đô thị và giao thông nông thôn.
Quảng Ninh có một tuyến đường sắt cấp quốc gia Kép – Hạ Long kết nối từ ga Kép (tỉnh Bắc Giang) đến Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long và một số tuyến chuyên dụng của ngành Than phục vụ khai thác và vận chuyển than. Bộ GT&VT đang khởi động Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân.
Toàn tỉnh có 6 khu vực hàng hải, bao gồm Vạn Gia – Hải Hà, Mũi Chùa, Cô Tô, Cẩm Phả – Cửa Đối, Hòn Gai và Quảng Yên với hệ thống cảng biển được đầu tư tương đối hiện đại, như Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… Toàn tỉnh có 37 tuyến luồng đường thủy nội địa, 159 cảng, bến đã được cấp phép hoạt động, gần nhất là Cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn) đưa vào sử dụng.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với quy mô cấp 4E; sân bay quân sự cấp II, công suất 2,5 triệu hành khách/năm, được đưa vào khai thác từ năm 2018 kết nối Quảng Ninh với cả nước và thế giới.
Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là động lực quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh tăng trưởng 2 con số 9 năm liên tục (2015-2023), tạo ra nhiều không gian phát triển mới, nâng cao đời sống nhân dân…
– Ông cho biết, phương án phân luồng giao thông trên địa bàn tỉnh hiện được triển khai như thế nào?
+ Trong những năm qua, Sở GT&VT đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương triển khai phương án phân luồng giao thông một cách hiệu quả, góp phần tăng khả năng lưu thông, giảm ùn tắc và đảm bảo ATGT, đưa Quảng Ninh là địa phương có 13 năm liên tiếp giảm các tiêu chí về TNGT.
Cụ thể: Tổ chức phân luồng giao thông trên cầu Bãi Cháy, xe môtô 2, 3 bánh, xe thô sơ đi luồng riêng, không đi chung với xe ô tô; cấm các loại xe ô tô tải từ 4 trục trở lên lưu thông trên đoạn tuyến Km9+050 – Km11+980 đường tỉnh 331 (trung tâm TX Quảng Yên)…; phân luồng giao thông trong các sự kiện của tỉnh như Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh; đăng cai tổ chức một số môn thi đấu SEA Games 31 tại Quảng Ninh; tổ chức giao thông, tăng cường ATGT tại các nút giao thông lớn trên địa bàn TP Hạ Long…
Cùng với đó, Sở tham mưu hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng với các vùng lân cận, quy hoạch tỉnh, quy hoạch địa phương, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông, đảm bảo kết nối, phát huy hiệu quả các loại hình giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không, hàng hải quốc tế…
– Thời gian tới cần tiếp tục có giải pháp đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông đặt trong tổng thể các quy hoạch của tỉnh, của địa phương?
+ Trong năm 2024 và các năm tiếp theo Sở GT&VT tiếp tục bám sát vào Quy hoạch tỉnh, các nghị quyết, chỉ đạo của tỉnh để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng KKT, KCN, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án hạ tầng giao thông trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2023, như tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đồng Triều và các dự án khởi công mới trong năm 2024: Cải tạo QL279 đoạn từ Km0 – Km8+600; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ kết nối với Lạng Sơn và các dự án kết nối liên kết vùng với Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn… Qua đó góp phần hình thành hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ninh ngày càng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, tạo ra bước đột phá về không gian phát triển, động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, liên kết nội vùng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và hợp tác quốc tế.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, đa dạng hóa hình thức đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, tập trung vào cảng biển, đường sắt. Cụ thể phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan chuyên môn của Bộ GT&VT khởi động Dự án Đường sắt Yên Viên – Hạ Long – Cái Lân thời gian tới; triển khai quy hoạch đường sắt Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái; đẩy mạnh thu hút đầu tư Cảng Hòn Nét – Con Ong, Khu bến TX Quảng Yên, Cảng Mũi Chùa…
Đồng thời làm tốt công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, tổ chức phân luồng, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, đỗ xe công cộng đảm bảo văn minh đô thị.
– Xin cảm ơn ông!