Quảng Yên là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Quá trình lịch sử cũng để lại trên vùng đất này hơn 200 di tích lịch sử – văn hóa, chiếm khoảng 1/3 số lượng di tích trong toàn tỉnh cùng với nhiều di sản văn hoá phi vật thể khác mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khai thác nguồn tài nguyên giàu có này cho phát triển du lịch được địa phương tương đối chú trọng, tuy nhiên quá trình hiện thực hoá vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
Nâng cấp về cơ sở hạ tầng du lịch
Thời gian qua, TX Quảng Yên đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng ở các điểm di tích phục vụ cho phát triển du lịch, trong đó có nhiều dự án huy động nguồn lực đầu tư lớn, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị và nông thôn.
Địa phương cũng định hướng và mời gọi đầu tư xây dựng được 3 khách sạn tiêu chuẩn 1 sao, 1 khách sạn tiêu chuẩn 2 sao; thẩm định và công nhận 50 nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, với tổng số 500 phòng nghỉ, có thể đáp ứng phục vụ từ 1.000-1.500 khách nghỉ/ngày đêm. Cùng với đó, thẩm định, hướng dẫn nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ cho 20 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với công suất phục vụ từ 3.000-3.500 lượt khách ăn/ngày. Trong đó, có 3 nhà hàng đã được cấp biển hiệu “Nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch” cấp tỉnh; 17 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cấp địa phương.
Công tác đầu tư bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa gắn với phát triển du lịch được chú trọng triển khai bằng nhiều nguồn vốn. Trong 10 năm qua, UBND thị xã đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn ngân sách tỉnh và thị xã với tổng kinh phí phê duyệt 259,9 tỷ đồng, đã thực hiện 155,441 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 26,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 84,9 tỷ đồng, ngân sách thị xã hơn 44 tỷ đồng.
Công tác xã hội hóa cũng thu được nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê của địa phương, từ năm 2015 đến nay, thị xã đã chỉ đạo, hướng dẫn các Ban Quản lý di tích, các nhà sư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân huy động các nguồn lực, chủ yếu là nguồn xã hội hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, với tổng số kinh phí phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích là 564 tỷ đồng; số kinh phí đã triển khai thực hiện 460 tỷ đồng. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo hướng bền vững.
Khai thác lợi thế địa phương
Những năm qua, TX Quảng Yên luôn quan tâm, chú trọng phát huy giá trị di sản là lợi thế của địa phương để xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Qua đó, nhiều điểm di tích, lễ hội đã trở thành mô hình điểm của tỉnh trong việc phát huy giá trị di sản, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thương hiệu riêng có của TX Quảng Yên, như: Di tích quốc gia đình Cốc và Lễ hội Xuống Đồng, di tích quốc gia Miếu Tiên Công với Lễ hội Tiên Công, Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng với Lễ hội truyền thống Bạch Đằng; 24 Nhà thờ dòng họ Tiên Công gắn với “Lễ ra cỗ họ” vào dịp đầu xuân được nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế đặc biệt quan tâm cùng với nhiều điểm di tích hút khách khác nữa.
Để tạo thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm thu hút du khách, thị xã đã chỉ đạo UBND các xã, phường: Quảng Yên, Phong Cốc, Nam Hòa, Phong Hải, Cộng Hòa, xã Hiệp Hòa, Tiền An, Liên Hòa hướng dẫn các làng nghề truyền thống trên địa bàn làm các sản phẩm thủ công, như: Lờ, đó, mô hình thuyền nan, thuyền gỗ, làm bánh gio, bánh dày, bánh đa, bánh mật, nem chua… Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để làm sản phẩm phục vụ du lịch. Nghiên cứu đưa các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian: Hát đúm, “Ba giá đồng”, hát chèo, hò biển vào phục vụ khách du lịch ở các tuyến, điểm du lịch và ở các lễ hội. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm, hệ thống ngân hàng phục vụ khách du lịch, như các nhà hàng karaoke đạt chuẩn, các điểm kinh doanh cafe, giải khát…
Với nhiều giải pháp đồng bộ, qua thống kê cho thấy, số lượt du khách đến các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn TX Quảng Yên trong 10 năm trở lại đây có sự gia tăng đáng kể. Theo đó, nếu như năm 2015, các di tích đón 156.000 lượt khách thì đến năm 2023 con số này tăng hơn gấp đôi, đạt 350.000 lượt khách, năm nay ước đạt trên 640.000 lượt khách. Trung bình hằng năm, nguồn thu từ các di tích, lễ hội và hoạt động dịch vụ du lịch từ các di tích trên địa bàn ước đạt 15-20 tỷ đồng/năm, đóng góp khoảng 6% tổng doanh thu toàn ngành du lịch của thị xã.
Qua đánh giá của địa phương khẳng định, công tác phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa với phát triển du lịch đã góp phần tích cực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững. Đồng thời xây dựng các di tích thành những “địa chỉ đỏ” để giáo dục và ghi nhớ truyền thống yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam về lịch sử dân tộc và những chiến công oanh liệt của ông cha ta mà điển hình là 3 lần chống quân xâm lược phương Bắc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Quảng bá, giới thiệu cho du khách trong nước, quốc tế về văn hóa, lịch sử, cảnh quan, thiên nhiên, con người Quảng Yên…
Còn đó những khó khăn
Mặc dù vậy, du lịch di sản ở Quảng Yên thời gian qua vẫn chưa phải điểm sáng trong toàn tỉnh, chưa có những bứt phá đáng kể, nhất là từ sau khi dịch Covid-19 tràn qua. Qua thực tế cho thấy vẫn còn nhiều nút thắt, có cả những vấn đề tồn tại đã lâu chưa được giải quyết. Đánh giá của địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận về hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ phục vụ kết nối phát triển du lịch còn thiếu và yếu; hệ thống đường giao thông kết nối giữa các di tích và điểm di tích nhỏ hẹp, không đáp ứng được xe du lịch từ 50 chỗ, không có điểm đỗ xe và quay đầu xe. Hạ tầng dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi giải trí, mua sắm còn thiếu, chất lượng dịch vụ còn hạn chế…
Về mặt khách quan, các di tích trên địa bàn trong những năm qua được địa phương chú trọng tu bổ, tôn tạo, giữ gìn đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, các công trình di tích nơi đây vốn chủ yếu được làm từ cấu kiện gỗ, có thời gian hình thành và niên đại xây dựng hàng trăm năm, lại nằm ở địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, gió, khí hậu nóng ẩm, nồm… và con người tác động nên nhiều di tích đang bị hư hỏng, xuống cấp về cảnh quan, mỹ quan, ô nhiễm môi trường…
Về mặt chủ quan thì phải nhắc tới một điểm quan trọng khác. Đó là thời gian qua, Quảng Yên chưa thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực thực hiện được các mô hình hợp tác công tư về phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa. Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng là trung tâm kết nối, là điểm nhấn trong phát triển du lịch văn hoá tâm linh, du lịch trải nghiệm… của Quảng Yên. Tuy nhiên, vướng mắc thời gian qua trong triển khai thực hiện Dự án Bảo tồn phát huy giá trị Khu di tích liên quan tới nguồn vốn 80 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư từ trung ương chưa được xử lý, khiến cho tiến độ kéo dài. Cho đến nay, dự án đã kết thúc giai đoạn đầu tư nhưng mới chỉ hoàn thành đợt 1 giai đoạn 1 của dự án.
Bên cạnh đó, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia miếu Tiên Công, được thị xã đề xuất từ năm 2012, cho đến nay đã hơn chục năm vẫn chưa được xem xét giải quyết mặc dù di tích đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng… Những tồn tại, khó khăn này rất cần được tháo gỡ, giải quyết sớm, góp phần tạo động lực, gia tăng sức hút thúc đẩy sự phát triển du lịch di sản trên địa bàn TX Quảng Yên trong thời gian tới.