Hạ Long sở hữu nguồn tài nguyên du lịch giàu có với một bên là di sản Vịnh Hạ Long, một bên là vùng đồi núi với cảnh quan hoang sơ và những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như Vịnh Hạ Long đã nổi tiếng khắp năm châu, thu hút hàng triệu lượt khách hằng năm, góp phần tạo nên một trung tâm du lịch sầm uất thì du lịch khu vực vùng cao phía Bắc của thành phố vẫn còn khá đơn sơ, đang chờ được đánh thức…
Động thái mới, cơ hội mới
Tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đất đai màu mỡ và một số mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng, những năm gần đây, khu vực vùng cao phía Bắc của Hạ Long đã có những mô hình du lịch, dịch vụ được đầu tư, như: Thiên đường hoa Quảng La, Man’s farm, Am Váp Farm, Happy Land, Xuân Trường…
Các mô hình này thường gắn với địa thế núi non, hồ, suối nước, cây xanh tự nhiên đẹp, các vùng trồng hoa, nét văn hoá bản địa (ẩm thực, trang phục, nếp sinh hoạt, lao động) và khai thác các dịch vụ như cắm trại, ăn uống, check in, câu cá, hái quả, bơi thuyền… Với xu hướng trải nghiệm mới mẻ, các mô hình này tương đối thu hút khách, chủ yếu là các nhóm gia đình, bạn bè, học sinh, sinh viên trên địa bàn và khu vực lân cận đến tham quan, khám phá, trải nghiệm, vui chơi…
Năm 2023 vừa qua, nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch khu vực này, thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, có tính bài bản hơn. Đó là triển khai phương án xây dựng các sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn xã Bằng Cả với các điểm du lịch khác trên địa bàn. Hướng dẫn mỗi xã nghiên cứu xây dựng tối thiểu 1 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với phát huy cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống bản địa trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân địa phương để đón khách du lịch. Xây dựng đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống tại các thôn trên địa bàn các xã.
Quan tâm, hướng dẫn UBND các xã, phường xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn, xây dựng phương án phát triển du lịch cộng đồng theo định hướng của Đề án Phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các nghị quyết, chương trình về nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, qua đánh giá của thành phố, đến hết năm 2023 vừa qua, phường Việt Hưng và các xã Bằng Cả, Sơn Dương, Tân Dân đã ban hành, triển khai phương án; xã Kỳ Thượng đang xây dựng; các xã còn lại đang rà soát tài nguyên du lịch. Địa phương cũng đã phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ, Trường Đại học Hạ Long xây dựng Đề tài phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng trên địa bàn các xã Bằng Cả, Quảng La, Tân Dân và Kỳ Thượng. Việc khảo sát tập trung chủ yếu vào các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm… nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Hạ Long, thu hút du khách vào mùa thấp điểm. Qua đó bước đầu đưa ra được những đánh giá về tình hình, hiện trạng tài nguyên du lịch hiện có, từng bước xây dựng phương án kết nối giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để đưa khách du lịch đến các địa điểm tiềm năng.
Với sự trở lại của dòng khách tàu biển, dịp cuối năm vừa qua, thành phố đã phối hợp với Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tân Hồng đón các đoàn khách tàu biển đến trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại các địa phương, trong đó có một số nét đặc trưng trong phong tục tập quán, nghề truyền thống của người Dao Thanh Y xã Bằng Cả, như: Quy trình ủ rượu Bâu, ngâm chân của người Dao… Các hoạt động diễn ra nhận được những phản hồi tích cực từ du khách, được đánh giá là đa dạng cả về nội dung và hình thức thể hiện, có thể khai thác, phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Quan tâm trong phát triển nguồn nhân lực du lịch địa phương, Hạ Long đã phối hợp rà soát, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch, đặc biệt quan tâm đến địa bàn các xã vùng cao tham gia thực hiện các mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng.
Theo đó, trong năm vừa qua, địa phương đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền cho trên 450 đại biểu; 1 hội nghị tập huấn kiến thức và kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm cho 65 học viên là cán bộ Văn hóa – Xã hội và người dân tham gia trực tiếp vào phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trên địa bàn 12 xã và 2 phường Hoành Bồ, Việt Hưng; tổ chức buổi học thực tế cho các học viên thực hành thuyết minh tại Khu bảo tồn Văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả.
UBND xã Bằng Cả cũng phối hợp với Công ty TNHH Phát triển thương mại và Đào tạo nghề Hòa Thành tổ chức lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng nghề nghiệp du lịch tại xã Bằng Cả và Sơn Dương. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức các chương trình học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại các địa phương có thế mạnh về du lịch cộng đồng (Lào Cai, Hà Giang…) để từng bước nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân khi tham gia hoạt động dịch vụ, du lịch. Phối hợp tổ chức thi cấp chứng chỉ Hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Để phát triển bền vững
Mặc dù đã có những nỗ lực, tuy nhiên qua đánh giá thực tế của thành phố cho thấy, thành phố chưa khai thác hiệu quả hạ tầng du lịch sẵn có với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc tại khu vực các xã vùng cao trên địa bàn.
Nhiều vấn đề bất cập cũng nảy sinh khi trên địa bàn có những mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp… rất hút khách, tuy nhiên do công tác quản lý, rà soát, bổ sung quy hoạch của cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, phường chưa thực sự sát sao, dẫn đến hiện tượng kinh doanh dịch vụ du lịch tự phát, gây ra sự mất kiểm soát, nhiều trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ chưa được quảng bá rộng rãi trên các kênh truyền thông, thông tin đại chúng, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh lúng túng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh…
Để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn kể trên, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng kiểm tra cụ thể các điểm du lịch cộng đồng, tham mưu văn bản gửi các sở, ngành có liên quan để có ý kiến trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là các vướng mắc về quy hoạch, đất đai, hạ tầng, thực hiện mô hình du lịch sinh thái trên đất lâm nghiệp, đất rừng…
Nhằm phát triển du lịch khu vực này bền vững, mang tính chiến lược hơn, nhiều dự án giao thông động lực, trọng điểm đã và đang được tỉnh, thành phố tập trung triển khai thực hiện, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng giữa Vịnh Hạ Long – trung tâm thành phố – vùng miền núi phía Bắc, như: Cầu Bình Minh, Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm; Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn; Dự án đường Hồng Hải – Hà Lầm (nối QL18A, phường Hồng Hải với tỉnh lộ 336, phường Hà Lầm) và hạ tầng kỹ thuật khai thác quỹ đất xen kẹp dọc tuyến; Dự án đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương, TP Hạ Long.
Năm nay, thành phố cũng đưa ra 2 sản phẩm du lịch mới tại khu vực vùng cao phía Bắc dự kiến đưa vào khai thác trong năm nay. Đó là sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm sinh thái, nông nghiệp gắn với các đặc trưng văn hoá, nông nghiệp của đồng bào tại các xã vùng cao của TP Hạ Long, như: Sơn Dương, Bằng Cả và Kỳ Thượng. Theo đó, du khách có thể tới tham quan Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y và trải nghiệm ẩm thực, ngâm chân thuốc Bắc tại Bằng Cả…; tham quan vườn ổi và thưởng thức các sản phẩm từ ổi tại Sơn Dương; thưởng thức văn hoá đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán và tham quan, ngắm cảnh thiên nhiên tại Kỳ Thượng. Cùng với đó là sản phẩm Khu bảo tồn và trưng bày văn hoá dân tộc Tày tại xã Dân Chủ với những gian nhà trưng bày trang phục, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực phục vụ du khách.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thành phố xác định và triển khai thực hiện trong năm nay, đó là đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng, bản sắc văn hoá các xã vùng cao… Qua đó nhằm hình thành, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường, nâng cao khả năng chi trả và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, hạn chế tính mùa vụ và tăng tính bền vững cho du lịch thành phố.