Xu hướng du khách nội vùng châu Á tiếp tục định hình cho tăng trưởng du lịch Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, tổng nhu cầu của du khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng 1,7 lần so với cùng kỳ.
Đây là nhận định của Klook, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu châu Á dành cho trải nghiệm và dịch vụ du lịch trong báo cáo đánh giá bức tranh du lịch Việt Nam nửa đầu năm 2024.
Theo Klook, các số liệu qua sàn này cho thấy tổng nhu cầu của du khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong là nguồn động lực tăng trưởng chính, chiếm gần một nửa số lượt đặt chỗ đến các điểm đến toàn Việt Nam trên Klook.
Trong đó, Đài Loan vẫn tiếp tục là một trong những thị trường có khách đến Việt Nam ở mức tăng trưởng cao nhất, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng được ghi nhận từ nguồn du khách đến từ các quốc gia trong khối Đông Nam Á, với Indonesia dẫn đầu cùng mức tăng gấp 6 lần trong nhu cầu du lịch đến Việt Nam, theo sau là Philippines với mức tăng 3,5 lần.
Đáng chú ý, Klook cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhu cầu du lịch đến Việt Nam gấp đôi từ thị trường Mỹ trong nửa đầu năm 2024, cho thấy dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ của thị trường gửi khách trọng điểm này.
Các điểm đến như Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Quốc, Hạ Long và TP.HCM tiếp tục là những nơi có lượng khách quốc tế đông đảo. Đặc biệt, Hà Nội dẫn đầu về mức tăng trưởng với lượng đặt chỗ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Phú Quốc ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể gấp 2,5 lần.
Với đà tăng trưởng như hiện nay, trong khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ tới trong những tháng cuối năm, ngành du lịch dễ đạt mục tiêu đón 17 – 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay.
4 xu hướng du lịch mới của du khách Việt Nam
Bên cạnh sự tăng trưởng của du khách quốc tế, nhu cầu du lịch của du khách Việt Nam cũng duy trì mức tăng trưởng tích cực. Các xu hướng du lịch nổi bật bao gồm:
Du lịch như “thổ địa”: Du khách Việt Nam ngày càng ưa chuộng những trải nghiệm du lịch chân thực và độc đáo, muốn hòa mình vào văn hóa địa phương và có những chuyến đi như người bản địa.
Đi “nhiều, nhanh, gọn, gần”: Du khách Việt Nam chuyển hướng sang những chuyến đi ngắn ngày, ngẫu hứng trong khu vực lân cận hoặc xung quanh thành phố, thay vì những kỳ nghỉ dài ngày.
Du lịch khám phá lịch sử: Ngày càng nhiều du khách trẻ Việt Nam quan tâm đến việc tham quan các di tích lịch sử và các địa danh di sản, đặc biệt là các điểm đến đã được số hóa và cải thiện trải nghiệm du lịch.
Ưu tiên những “trải nghiệm đáng tiền”: Du khách Việt ngày càng chú trọng đến việc chi tiêu hợp lý và sẵn sàng chi nhiều hơn cho những trải nghiệm du lịch có giá trị, nhưng cũng không quên săn đón các ưu đãi và mã giảm giá.