Khách Ấn Độ đang khiến các quốc gia Trung Đông và Đông Nam Á chạy đua thu hút nhưng có những yêu cầu riêng do đặc thù về văn hóa và tín ngưỡng.
Kinh tế phát triển giúp hàng triệu người Ấn Độ thoát nghèo, lượng khách Ấn Độ du lịch nước ngoài đã đạt 27 triệu lượt vào năm 2019, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Theo Economist, chi tiêu tại nước ngoài của khách Ấn Độ vào năm 2023 đạt 33 tỷ USD, tăng gấp ba lần trong 10 năm qua – dự báo đạt 45 tỷ USD vào năm 2025.
“Đây là nguồn khách tiềm năng lớn và khả năng chi trả cao, không ngạc nhiên khi ai cũng muốn khách Ấn Độ”, Sudhir Upadhyay, CEO của TravB2B, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch châu Á cho hơn 7.000 đại lý du lịch tại Ấn Độ, nói với chúng tôi.
Upadhyay cho rằng Ấn Độ là thị trường nguồn “được săn đón nhiều nhất lúc này”. Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để thành nước đông dân nhất và sẽ nhanh chóng bắt kịp Trung Quốc về kinh tế. Ông dự đoán thị trường khách Ấn Độ du lịch quốc tế sẽ tăng 5-6 lần so với hiện tại trong 8-10 năm tới.
Trong những năm qua, Trung Quốc trở thành nguồn khách du lịch lớn nhất thế giới và các nước phương Tây đã điều chỉnh chính sách để hấp dẫn họ. Tuy nhiên, khách Ấn Độ lại khiến các quốc gia Trung Đông và Đông Nam Á chạy đua.
Thái Lan và Malaysia đã miễn thị thực cho công dân Ấn Độ. Một số nơi khác lại tuyển các ngôi sao Bollywood làm đại sứ thương hiệu – Abh Dhabi có Ranveer Singh, Dubai có Saif Ali Khan và Sara Ali Khan. Trong một thập kỷ trước, Ấn Độ gửi khoảng một triệu khách tới Thái Lan mỗi năm. Nửa đầu năm 2024, lượng khách Ấn Độ đến Thái Lan đã cán mốc một triệu lượt và nhiều người Ấn mới du lịch nước ngoài lần đầu tiên.
Tại Việt Nam, thị trường Ấn Độ cũng đang được nhiều đơn vị quan tâm khi lượng khách đến ghi nhận tăng trưởng. Theo Cục Du lịch Quốc gia, Việt Nam đón 392.000 khách Ấn năm 2023, tăng hơn 230% so với năm 2019. Trong 6 tháng năm nay, Việt Nam đã đón hơn 231.000 lượt khách từ thị trường này, tăng gần 165% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ 26/8, Vietravel đón đoàn 4.500 khách Ấn Độ của tập đoàn dược phẩm Sun Pharmaceutical Industries Limited tới Việt Nam du lịch. Đoàn chia thành 6 nhóm nhỏ, du lịch Hà Nội – Hạ Long – Ninh Bình theo từng đợt, tới hết 7/9. Giám đốc Ban Tiếp thị Nguyễn Nguyệt Vân Khanh nói công ty đánh giá cao tiềm năng của thị trường Ấn Độ và đã có những hoạt động xúc tiến, quảng bá từ năm 2018.
Trước dịch, khách Ấn Độ chưa được khai thác mạnh vì số lượng chuyến bay trực tiếp hạn chế và khách Ấn Độ khi ấy thích các điểm truyền thống như những nước láng giềng, Trung Đông, ít quan tâm Việt Nam. Mặt khác, các đơn vị lữ hành ở Việt Nam lại tập trung khai thác những thị trường có nền tảng vững chắc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Australia hay châu Âu.
Sau dịch, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh, tầng lớp trung lưu tăng nhanh nên nhu cầu du lịch cao. Thị trường khách truyền thống biến động, đòi hỏi sự đa dạng nguồn khách mới cũng khiến các đơn vị lữ hành đầu tư mạnh hơn để hút khách Ấn Độ. Hiện tại, khách Ấn Độ chiếm 16% tổng khách quốc tế của Vietravel – tăng “rất nhiều” so với trước dịch.
Theo Economist, động lực thúc đẩy du lịch nước ngoài của người Ấn Độ nằm ở khía cạnh nhân khẩu học và kinh tế. Người trong nhóm 25-34 tuổi thích đi du lịch nhất và 20% dân số nước này sẽ sớm bước vào nhóm tuổi đó. Tầng lớp trung lưu dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2047 và số lượng hộ chiếu của Ấn Độ đã tăng từ 52 triệu người trong thập kỷ trước lên 93 triệu người trong năm nay. Khách Ấn Độ không chọn tới châu Âu mà đi các quốc gia lân cận.
So với khách Trung Quốc, ông Upadhyay cho rằng khách Ấn Độ dễ chấp nhận các điểm đến nước ngoài hơn vì kỹ năng tiếng Anh tốt, nền văn hóa ảnh hưởng cả phương Đông lẫn phương Tây. Do đó, họ thích nghi và nhanh chóng chuyển từ du lịch theo nhóm sang đi tự túc. Nhóm khách tự túc có xu hướng thử nghiệm nhiều hơn và sẵn sàng chi nhiều hơn so với khách theo đoàn.
Đề chiều lòng nhóm khách này, đơn vị khai thác cần tìm hiểu kỹ vì họ có văn hóa đặc thù. Ví dụ, đoàn 4.500 khách sắp tới của Vietravel yêu cầu riêng về đồ ăn để phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, họ cũng muốn có tối thiểu ba hướng dẫn viên cho mỗi nhóm 30-35 khách để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất. Các hướng dẫn viên được chọn đều phải biết tiếng Hindu và phần giới thiệu tại các điểm tham quan, thường bằng tiếng Anh – Việt, cần được dịch ra tiếng Hindu.
“Dịch vụ như hướng dẫn viên giỏi tiếng Hindu, nhà hàng phục vụ món Ấn và hiểu biết về văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam còn thiếu”, bà Khanh nói.
Tại Việt Nam, bà Khanh chỉ ra điểm đến hàng đầu với người Ấn Độ là Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An. Khách từ nước này thích các điểm văn hóa, tâm linh và nghỉ dưỡng biển cho kỳ nghỉ 5-7 ngày, thường chọn khách sạn từ 3 đến 5 sao.
Ông Upadhyay bổ sung điều quan trọng nhất để hút khách Ấn Độ là nhập cảnh không cần visa hoặc dễ xin visa. Du khách Ấn Độ không lên kế hoạch du lịch sớm nên quốc gia nào có chính sách nhập cảnh dễ sẽ hấp dẫn họ.
Ẩm thực cũng quan trọng không kém vì gu ăn uống của người Ấn Độ phức tạp. Đại diện TravB2B ước tính 30% khách Ấn ăn chay, 70% ăn mặn “có chọn lọc” khi họ vẫn ăn thịt nhưng chỉ dùng thịt gà, cừu và cá, không ăn bò, lợn vì vấn đề tôn giáo và cũng không thích hải sản.
Trong khi đó, cộng đồng người Jain ở Ấn Độ chỉ ăn chay nhưng lại không ăn một số loại thực vật như hành, tỏi. Nhiều khách ăn chay sẽ không thích đồ chay tại nhà hàng phục vụ cả đồ mặn. Do đó, nếu đón các đoàn Ấn Độ du lịch theo nhóm, việc sắp xếp nhà hàng cũng là vấn đề phải cân nhắc kỹ. Với khách đi tự do, họ thích trải nghiệm nên sẵn sàng ăn cả đồ địa phương.
“Dù ăn chay hay mặn, khách Ấn Độ đều yêu ẩm thực và mọi vấn đề trong chuyến đi hầu hết có thể giải quyết bằng một bữa ăn ngon miễn phí”, ông Upadhyay gợi ý.
Mùa hút khách Ấn Độ thường từ tháng 4 đến tháng 6 khi học sinh vào kỳ nghỉ học và mùa lễ hội Diwali – thường từ tháng 10 đến 11, theo ông Upadhyay.
Khách Ấn Độ có chi tiêu đa dạng và các công ty có thể lựa chọn khai thác tùy vào quy mô. Ở TravB2B, họ không phục vụ khách balo, chủ yếu khai thác nhóm lưu trú khách sạn 3 sao (20-25%), 4 sao (40-50%) và 5 sao (15-20%). Ông Upadhyay nói khách chi tiêu thấp thường không thay đổi về lịch trình, dễ dàng phục vụ. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu mới có khả năng chi trả cao hơn.
Về nhóm khách sang trọng, ông chia sẻ tại nước này, mọi khách hàng đều muốn tối ưu giá trị nhận được cho số tiền bỏ ra nên khách cao cấp cũng mặc cả nhiều như khách thường. Chưa kể, ngành du lịch xa xỉ ở Ấn Độ đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt khi nhiều đơn vị muốn chiếm lĩnh thị trường. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ hướng đến nhóm xa xỉ cần phải mang đến trải nghiệm độc đáo và hoàn hảo.
Theo đại diện Vietravel, để hút khách Ấn Độ, trước mắt, các doanh nghiệp lữ hành cần hợp tác với cơ quan ngành du lịch, ngoại giao và đối tác địa phương để giới thiệu văn hóa, điểm đến Việt Nam. Ngoài ra, các chiến dịch quảng bá cũng cần đẩy mạnh để khẳng định Việt Nam như một điểm hấp dẫn với khách Ấn Độ.