Là sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, trong những năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, công suất hoạt động tại Cảng chưa đáp ứng như kỳ vọng. Vì vậy, đơn vị đang nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá cũng như hoàn thiện cơ sở vật chất để kết nối nhiều hơn các chuyến bay đến Quảng Ninh.
Các đơn vị lữ hành kết nối, trao đổi thông tin liên lạc với đại diện Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Tháng 12 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh tổ chức đoàn famtrip gồm các đơn vị lữ hành Trung Quốc đến khảo sát một số điểm du lịch của Quảng Ninh, trong đó có Cảng HKQT Vân Đồn. Đây là một trong những địa điểm được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm với mục tiêu tổ chức các chuyến bay nguyên chuyến, kết nối, đưa khách từ các tỉnh của Trung Quốc đến với Quảng Ninh. Ông Zou Hang, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch quốc tế Ma Yi Quế Lâm, cho biết: Năm 2019, tôi đã đến Cảng HKQT Vân Đồn vừa để khảo sát, vừa để tìm hiểu các chính sách của tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group trong việc kết nối chuyến bay charter đưa khách Trung Quốc đến Quảng Ninh và ngược lại. Tuy nhiên, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến chúng tôi không thể thực hiện được ý tưởng này. Tôi rất muốn sau chuyến đi này, có thể kết nối các chuyến bay đưa khách từ Trung Quốc đến với Quảng Ninh; cũng như xây dựng các tour, tuyến hợp lý từ các điểm đến du lịch mới của Quảng Ninh.
Nhìn chung, các đơn vị lữ hành đều đánh giá cao chất lượng của Cảng HKQT Vân Đồn và tính khả thi trong việc mở các đường bay charter. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng mong muốn tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group cùng chung tay, có các chính sách hỗ trợ ưu đãi và đồng hành mạnh mẽ hơn để mở nhiều chuyến bay đưa khách Trung Quốc đến Quảng Ninh và ngược lại. Cụ thể, có thể nghiên cứu việc kết nối từ Vân Đồn đến sân bay Quế Lâm, Thâm Quyến, Quảng Châu, Hồ Nam, Nam Ninh, vì đây đều là những khu vực đông dân cư mà khách Trung Quốc rất thích đến Quảng Ninh.
Hành khách làm thủ tục trước chuyến bay tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Cảng HKQT Vân Đồn là công trình giao thông đặc biệt được đầu tư xây dựng từ năm 2015 với quy mô sân bay cấp 4E; chiều dài đường cất hạ cánh là 3.600m. Công suất theo quy hoạch đến năm 2030 là 2,5 triệu hành khách/năm; sau 2030 là 5 triệu hành khách/năm. Kể từ khi đưa vào khai thác từ tháng 12/2018 đến nay, Cảng HKQT Vân Đồn đã khai thác các đường bay nội địa đi TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Ngoài ra, còn có một số tuyến bay quốc tế theo hình thức thuê bao chuyến và một số tuyến định tuyến kết nối với Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2019 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tác động trực tiếp tới hoạt động bay tại Cảng HKQT Vân Đồn. Hai đường bay đi Đà Nẵng và Cần Thơ đều đã dừng khai thác, hiện chỉ còn đường bay đi TP Hồ Chí Minh vẫn đang được 2 hãng hàng không VietnamAirlines và Vietjet Air khai thác với tần suất trung bình khoảng 6 chuyến/tuần.
Hạ tầng đồng bộ của Cảng HKQT Vân Đồn.
Theo thông tin từ Cảng HKQT Vân Đồn, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cảng đã đón trên 6.200 lượt cất hạ cánh quốc nội với gần 775.000 người; khoảng 570 lượt cất hạ cánh quốc tế với gần 76.800 lượt khách; tổng hàng hóa đạt 3.700 tấn. Trong đó, riêng năm 2024, đón khoảng 580 lượt cất hạ cánh quốc nội với gần 81.000 lượt khách; 8 lượt cất hạ cánh quốc tế với 80 lượt khách. Tổng hàng hóa khoảng 700 tấn.
Theo đánh giá của Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn, đơn vị quản lý Cảng cho biết, hiện Cảng HKQT Vân Đồn có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hàng không theo định hướng phát triển của Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc Cảng chưa cung cấp đủ các dịch vụ như: Nhà ga hàng hóa, khu vực sửa chữa tàu bay, khu chế biến suất ăn, sân đỗ tàu bay và các khu dịch vụ sân bay, do đó chưa thu hút được các hãng hàng không lớn triển khai các đường bay tới Quảng Ninh, đặc biệt không thu hút được các tàu bay có nhu cầu để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa lớn.
Tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GT-VT vừa ký Quyết định 1457/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Cảng HKQT Vân Đồn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch nhằm bố trí không gian hợp lý để bảo đảm phát triển Cảng HKQT Vân Đồn phù hợp với nhu cầu vận tải hàng không và định hướng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả khai thác Cảng HKQT Vân Đồn và hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc khẩn trương xây dựng tuyến chuyển hàng (cargo) với sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc – Nam, Công ty CP Đầu tư phát triển Vân Đồn đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận cho phép Công ty được tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ Quy hoạch Cảng HKQT Vân Đồn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong thời gian tới, để tiếp tục xúc tiến, thu hút các chuyến bay đến Cảng HKQT Vân Đồn, Tập đoàn Sun Group đang tích cực làm việc với các địa phương, đơn vị. Theo ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Điều hành Sun Group vùng Đông Bắc, hiện Cảng HKQT Vân Đồn đang tiếp tục xúc tiến mở mới đường bay nội địa đi Phú Quốc hoặc Nha Trang, đồng thời nối lại đường bay Cần Thơ, Đà Nẵng. Đối với thị trường quốc tế, chúng tôi sẽ xúc tiến mở đường bay quốc tế mới theo phương thức series charter và charter (chuyến bay thuê riêng cho du khách của một hãng lữ hành) tới Vân Đồn, trọng tâm là nhóm đường bay từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng mong muốn tỉnh Quảng Ninh khôi phục chính sách hỗ trợ giá, miễn giảm đối với hành khách quốc tế qua Cảng HKQT Vân Đồn khi sử dụng các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đồng thời, đề xuất thúc đẩy quảng bá hình ảnh Cảng HKQT Vân Đồn gắn với các điểm đến nổi tiếng của tỉnh để thúc đẩy, thu hút du khách đến Quảng Ninh thông qua Cảng HKQT Vân Đồn./.