Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái ban tặng vùng biển đảo rộng lớn, là tài nguyên phát triển du lịch biển, đặc biệt có 2 vịnh biển liền kề nhau là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Tuy nhiên, trong khi Vịnh Hạ Long đã trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh và cả nước thì Vịnh Bái Tử Long vẫn mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng. Bởi vậy, việc kết nối 2 vịnh biển, mở rộng không gian du lịch không chỉ giảm tải cho vùng lõi Vịnh Hạ Long, mà còn đánh thức tiềm năng, phát huy xứng tầm giá trị Vịnh Bái Tử Long.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo tập trung cho công tác phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó, ngày 7/2/2024, tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2024. Trong đó, yêu cầu tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên con người, văn hóa Quảng Ninh, Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Trọng tâm mở rộng không gian du lịch tại khu vực Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô và một số đảo trên địa bàn tỉnh.
Quan điểm của tỉnh trong xây dựng sản phẩm du lịch mới là tập trung phát triển sản phẩm đa dạng, độc đáo, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với tăng khả năng tiếp cận đa dạng các dòng khách, xây dựng thương hiệu điểm đến “Kỳ quan 4 mùa”. Theo kế hoạch, trong năm 2024, Quảng Ninh đưa vào khai thác 62 sản phẩm mới phục vụ khách du lịch. Trong đó có 11 sản phẩm khai thác lợi thế khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Điển hình như một ngày làm ngư dân tại làng chài Vung Viêng, đua thuyền rồng truyền thống trên Vịnh Hạ Long, du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên Vịnh Hạ Long, các sản phẩm du lịch tham quan, lưu trú kết nối Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long…
Nằm trong số đó, mới đây cuối tháng 5/2024, tuyến du lịch mới “Hành trình di sản” kết nối Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long và du thuyền cao cấp Grand Pioneers 2 đã được ra mắt. Đây hiện là hải trình duy nhất đưa du khách chiêm ngưỡng toàn bộ những địa điểm nổi tiếng đặc trưng của kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng những khu vực hoang sơ chưa được khai thác du lịch tại Vịnh Bái Tử Long như công viên địa chất ngoài trời, rừng bán ngập mặn, làng chài cổ và ngắm các vùng san hô tự nhiên…
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch: Đây là hành trình mới mang đến trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với tôn vinh giá trị riêng biệt toàn cầu của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long kết nối với Vịnh Bái Tử Long, đúng theo định hướng của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phát triển Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long – Cô Tô – Vân Đồn, hướng tới các sản phẩm du lịch cao cấp, phát triển bền vững.
Trong kế hoạch phát triển các sản phẩm mới, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đề xuất 10 sản phẩm dịch vụ, du lịch. Sở Du lịch đề xuất 2 hành trình mới tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long, 6 hành trình mới kết nối Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long và riêng Vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, Sở cũng đề xuất 6 hành trình tham quan, du lịch có tính định hướng trên địa bàn huyện Vân Đồn, Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Để các sản phẩm này sớm đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu công bố hành trình tham quan, du lịch Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các hành trình kết nối Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long để phát triển các sản phẩm du lịch, mở rộng không gian du lịch, thu hút đầu tư… Cùng với đó, đối với các tuyến điểm mới cần khảo sát đầu tư tuyến luồng, cơ sở hạ tầng giao thông, bến cảng; hạ tầng, dịch vụ cơ bản. Đặc biệt việc khai thác tiềm năng độc đáo của Vườn Quốc gia Bái Tử Long cần quan tâm khảo sát kỹ lưỡng, đầu tư về hạ tầng, luồng tuyến, tuân thủ quy định pháp luật.