9 tháng năm 2024, Trung Quốc là một trong 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Quảng Ninh. Phát huy lợi thế có cửa khẩu quốc tế cùng hệ thống giao thông đồng bộ cao tốc, sân bay, cảng biển, Quảng Ninh tăng cường kết nối, thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách Trung Quốc. Trong đó, chú trọng việc xây dựng, kết nối các sản phẩm du lịch với Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Hợp tác phát triển du lịch Quảng Ninh và Quảng Tây là lĩnh vực hợp tác trọng điểm trong bối cảnh quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và Quảng Ninh với Quảng Tây nói riêng ngày càng siết chặt. Lĩnh vực du lịch luôn được hai địa phương chú trọng phát triển và có nhu cầu tăng cường giao lưu hợp tác, phát triển.
Để thúc đẩy khách du lịch hai chiều, các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch nhân cuộc hội kiến giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây vào cuối tháng 8 vừa qua.
Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên đẩy nhanh phát triển các tuyến du thuyền giữa Quảng Tây và Quảng Ninh thông qua việc xúc tiến tuyến du thuyền “Bắc Hải – Hạ Long”. Từ đây làm tiền đề nghiên cứu mở rộng các cảng đến của tuyến du thuyền này đến các thành phố khác ở miền Trung và miền Nam Việt Nam; cùng thúc đẩy du lịch tàu biển, tăng cường hợp tác với các đơn vị lữ hành, khách sạn, danh lam thắng cảnh để hoàn thiện chuỗi du lịch; tăng cường công tác thông tin, tham quan, tổ chức các hoạt động trao đổi, đào tạo về quản lý cảng và dịch vụ du thuyền tại Cảng du thuyền quốc tế Vịnh Bắc Bộ (Trung Quốc) và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Việt Nam), nhằm nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Đồng thời, thúc đẩy giao lưu và hợp tác giữa các sở quản lý cảng du lịch Quảng Tây, Trung Quốc và Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục hải quan và nâng cao sự hài lòng của du khách.
Hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác về phát triển du lịch giữa hai bên, ngành Du lịch Quảng Ninh tích cực tham gia các sự kiện do Quảng Tây tổ chức từ đầu năm 2024 đến nay, như: Tham gia Lễ hội Du lịch biên giới Trung Việt tại TP Bằng Tường vào tháng 5/2024; Hội nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Quảng Tây (Trung Quốc) và Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn (Việt Nam) tại Quảng Tây vào tháng 7/2024. Đồng thời, tập trung phát triển các tuyến du lịch hiện có qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng, Móng Cái – Hạ Long. Tháng 9 vừa qua, Sở GT-VT Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và Sở GT-VT Quảng Ninh đã cho phép Công ty TNHH Vận tải Tập đoàn Tuyến quốc gia mới (Trung Quốc) hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Hữu nghị Việt Trung Toàn Cầu (Việt Nam) thực hiện tuyến cố định vận tải hành khách giữa TP Nam Ninh (Quảng Tây) và TP Hạ Long (Quảng Ninh) qua Lối thông quan cầu Bắc Luân II. Việc khai thác tuyến xe khách xuyên biên giới giữa Nam Ninh và Hạ Long không chỉ giúp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mà còn rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch hai bên.
Doanh nghiệp du lịch hai bên, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch lữ hành cũng tăng cường các hoạt động khảo sát, tìm hiểu về sản phẩm, tuyến điểm du lịch để xây dựng sản phẩm thu hút khách du lịch hai chiều. Ông Nguyễn Hà Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Giám đốc HonGai Tours chi nhánh Quảng Ninh, cho biết: Hơn 20 năm làm du lịch, HonGai Tours chi nhánh Quảng Ninh chủ yếu đón khách quốc tế từ các thị trường nói tiếng Hoa và đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Thời kỳ cao điểm, đơn vị đón khoảng 200.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam qua cả đường bay, tàu biển, nhưng nhiều nhất vẫn là du khách qua các cửa khẩu đường bộ, trong đó có cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh)… Lượng khách Việt Nam tới Trung Quốc cũng rất lớn, sản phẩm đa dạng, độc đáo, phù hợp với các đối tượng, phân khúc khách khác nhau. Đối với du khách và thị trường Trung Quốc, đơn vị nghiên cứu rất kỹ để xây dựng sản phẩm đặc sắc và quảng bá xúc tiến phù hợp.
Sở Du lịch Quảng Ninh cũng nỗ lực cùng Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây tháo gỡ vướng mắc, thống nhất phương án triển khai sản phẩm xe du lịch tự lái; khôi phục hoạt động du lịch qua cửa khẩu bằng giấy thông hành; nghiên cứu kết nối các chuyến bay đưa khách du lịch từ các sân bay của Quảng Tây đến Quảng Ninh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… Đặc biệt, việc xúc tiến khai thông tuyến du lịch đường biển Bắc Hải – Hạ Long cũng đang được hai bên khẩn trương triển khai, dự kiến sẽ vận hành vào dịp cuối năm 2024, tạo tiền đề thúc đẩy hiệu quả thị trường khách du lịch Trung Quốc cho năm 2025 và các năm tiếp theo.