Dù mới được thành lập, CLB Du lịch cộng đồng Quảng Ninh đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần hỗ trợ các địa phương, thôn bản phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng cũng như kết nối, hoàn thiện các sản phẩm đặc trưng.
Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Ban chấp hành (BCH) Hiệp hội Du lịch đã ra quyết định thành lập CLB Du lịch Cộng đồng Quảng Ninh, trực thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh.
Chia sẻ về việc thành lập CLB, ông Lê Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết: Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Dù đã có những thành quả đáng kể nhưng du lịch cộng đồng còn chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị. Vì thế, chúng tôi thành lập CLB vừa nhằm kết nối những hạt nhân, những người yêu, mong muốn phát triển du lịch cộng đồng vừa nhằm hỗ trợ, đánh thức nguồn tài nguyên này, vừa hướng dẫn phát triển các sản phẩm cụ thể.
Sau khi thành lập, CLB đã có “bộ khung” cơ bản và đưa ra nhiều hoạt động. Để có định hướng cụ thể, hoạt động hiệu quả, CLB đã lựa chọn những người giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết với du lịch cộng đồng. Theo đó, Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh tạm thời chỉ định ông Đoàn Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch, kiêm Chủ tịch CLB; 2 Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Trung Kiên (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Am Váp Farm), Lê Minh Thứ (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Thành Long). Đây đều là những người giàu kinh nghiệm trong việc gây dựng và phát triển các sản phẩm, đặc biệt là du lịch cộng đồng ở Yên Đức (Đông Triều) hay TP Hạ Long.
Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ mà CLB hướng tới là thiết thực hướng dẫn người dân gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá bản địa; thúc đẩy sự tham gia, góp sức của cộng đồng vào các sản phẩm du lịch, đặc biệt ở các vùng sâu, xa. Vừa qua, CLB đã ra quân khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ bà con phát triển du lịch cộng đồng ở các làng, bản giàu bản sắc văn hóa ở xã Sơn Dương (TP Hạ Long), xã Đại Dực (Tiên Yên)…
Tại đây, CLB không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân mà còn hỗ trợ địa phương phát huy giá trị văn hoá bản địa, các mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng… làm nguyên liệu hình thành nên các sản phẩm du lịch. Đồng thời, CLB đã tổ chức nhiều buổi trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng, tuân thủ quy định pháp luật trong phát triển sản phẩm; khảo sát, học tập thực tế tại các mô hình đã thành công…
Cụ thể hơn, CLB đã góp sức giúp xã đẩy nhanh tiến độ sản phẩm du lịch khám phá vùng đất lịch sử Sơn Dương; giúp thành lập HTX Du lịch của bà con thôn bản ở xã Đại Dực; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Sơn Dương với phiên chợ ổi, tái hiện trang phục, tiết mục văn nghệ truyền thống người Sán Dìu ở địa phương…
CLB cũng đã tổ chức các chuyến khảo sát, thực tế, học tập mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng ở làng quê Yên Đức (Đông Triều). Đồng thời có những hành động cụ thể kết nối các đơn vị, doanh nghiệp phát triển du lịch cộng đồng và địa phương, ký kết hỗ trợ việc quản trị, vận hành, khai thác sản phẩm…
Thời gian tới, CLB đã lên kế hoạch cho các thành viên đi khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng ở làng du lịch Thái Hải (Thái Nguyên); tổ chức hội thảo mời các chuyên gia, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm cung cấp thông tin, kiến thức chuyên sâu và thực tế về du lịch cộng đồng. Để thúc đẩy hoạt động, CLB dự kiến sẽ kết nạp, công nhận thêm nhiều thành viên, đơn vị, doanh nghiệp du lịch và cả những doanh nghiệp, địa phương liên kết ở ngoài tỉnh, tạo “kênh” kết nối, hợp tác và hiện thực hoá các sản phẩm du lịch cộng đồng giàu tiềm năng.