Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện Vân Đồn triển khai với những cách làm sáng tạo và đã đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động của phong trào đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Đến xã Đông Xá hôm nay, không khó để cảm nhận diện mạo NTM đã và đang đổi thay về “chất”. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Người dân có ý thức thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM. Đến nay, trên địa bàn xã, các thôn đều được công nhận danh hiệu văn hóa, 10/10 thôn có nhà văn hoá, toàn xã có 12 sân bóng chuyền hơi. Tiêu biểu trong đó là thôn Đông Sơn.
Bà Lê Thị Trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Sơn, chia sẻ: Thôn có hơn 540 hộ với 1.080 nhân khẩu, khá nhiều người là dân tộc thiểu số. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tôi luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Đặc biệt, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở thôn được đông đảo người dân tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, tăng sự đoàn kết, gắn bó, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của quê hương. Nhiều năm liền thôn Đông Sơn là điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Vân Đồn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa, các tiêu chuẩn, tiêu chí xây dựng danh hiệu thi đua, đồng thời vận động cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào. Bên cạnh đó, coi trọng và phát huy tốt vai trò các tổ chức đoàn thể chính trị, vai trò các dòng họ, già làng, trưởng bản, người có uy tín cao trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, huyện cũng giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong phong trào và bám sát địa bàn dân cư, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân.
Tại các xã luôn gắn kết chặt chẽ giữa việc xây dựng danh hiệu thi đua với các chỉ tiêu của chương trình xây dựng NTM nhằm tạo sự ràng buộc và trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng dân cư. Quan tâm thực hiện tốt công tác xã hội hoá nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, thể thao vững mạnh ở cơ sở; gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xem đây là nội dung quan trọng để xây dựng con người có văn hoá, làm nhân tố để hình thành sự bền vững của phong trào trên địa bàn.
Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai đồng bộ với nhiều cách làm, mô hình thiết thực, đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị. Các tổ chức chính trị – xã hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong vận động đoàn viên, hội viên nâng cao ý thức bảo vệ, giữ vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đóng góp kinh phí hoàn thiện các công trình phúc lợi xã hội như: Điện, đường, trường, trạm… Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” và các điển hình tiên tiến được triển khai rộng khắp trên các lĩnh vực, đời sống xã hội.
Với những cách làm cụ thể, thiết thực, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Vân Đồn đã đạt được những kết quả tích cực. Đến thời điểm này toàn huyện có 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% thôn đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”; thị trấn đạt danh hiệu “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 53% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”.