Đích đến của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) chính là nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi. Với mục tiêu ý nghĩa này, thời gian qua, huyện Đầm Hà đã tập trung mọi nguồn lực cho chuyển đổi các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương nhằm phát triển kinh tế, tạo thu nhập bền vững cho người dân. Đặc biệt, huyện vận động nhân dân đẩy mạnh các mô hình liên kết để sản xuất thành hợp tác xã.
Được sự hỗ trợ, khuyến khích từ chính quyền địa phương, năm 2017, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà đã thuê hơn 5ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân để phát triển mô hình trồng dưa lưới, rau thủy canh theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Để triển khai hiệu quả việc trồng dưa lưới, Công ty đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt 6.000m2 nhà màng bằng công nghệ mới, tiên tiến của Israel. Đặc biệt, toàn bộ quy trình trồng đầu được áp dụng khoa học công nghệ cao và trong quá trình chăm sóc dưa được công nhân giám sát chặt chẽ, ghi đầy đủ hồ sơ ngày, tháng trồng, ngày tưới, tình hình sâu bệnh… Cùng với đó, huyện Đầm Hà đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Ông Nông Đức Hấn, đại diện Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà cho biết: Với chất lượng thơm, ngon, chuẩn sạch, sản phẩm dưa lưới Quảng Tân đã được thẩm định, đạt tiêu chuẩn 4 sao theo tiêu chí chương trình OCOP của tỉnh. Vì vậy, ngoài đảm bảo lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng cho hơn 10 lao động, thì chỉ tính riêng sản phẩm dưa lưới của Công ty mỗi năm tiêu thụ ra thị trường đạt sản lượng 100 tấn quả/năm.
Để người dân thực sự được thụ hưởng từ Chương trình xây dựng NTM, huyện Đầm Hà tiếp tục đưa ra các giải pháp đồng bộ; khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng những nội dung, nhiệm vụ về xây dựng NTM, đồng thời thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, triển khai thực hiện đối với ban chỉ đạo các cấp từ huyện đến xã; học tập, áp dụng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, thông qua đó đã nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng NTM, người dân ngày càng thể hiện rõ vai trò chủ thể, trở thành người trực tiếp thực hiện, trực tiếp thụ hưởng thành quả.
Điển hình như gia đình ông Đặng Văn Giang, thôn Trại Đinh, xã Đầm Hà. Qua công tác vận động của cán bộ phụ trách địa bàn xã, gia đình ông Giang đã quyết định cải tạo lại hơn 3,5ha đất ruộng chua canh tác kém hiệu quả và thành lập HTX Nông nghiệp tổng hợp Trường Giang để trồng mô hình cây chanh leo. Ông Giang chia sẻ: Với sự hỗ trợ của huyện về nguồn kinh phí đào tạo tập huấn cũng như 70% kinh phí về giống, phân bón vật tư chính với tổng số 323 triệu đồng cho mô hình, cùng với sự chăm chỉ, tìm hiểu về kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc cây trồng, vì vậy mức độ sinh trưởng của cây chanh leo của HTX phát triển tốt và đang chuẩn bị cho vụ quả đầu tiên. Dự kiến mỗi ha sẽ cho khoảng 20 tấn quả. Với giá thị trường như hiện nay thì sẽ được đạt khoảng 200 triệu đồng/1ha. Trừ chi phí và nhân công thì số tiền lãi thu được cũng không phải là nhỏ.
Trên quan điểm ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, huyện Đầm Hà từng bước quy hoạch, hình thành các sản xuất nông nghiệp tập trung về thuỷ sản, chăn nuôi đàn gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả. Toàn huyện khuyến khích các nông hộ, các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những nông sản sạch, nông sản không dư lượng hoặc không có thành phần chất hoá học, đạt chất lượng và giá trị cao. Hướng đi này đã và đang giúp Đầm Hà nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, tiến tới trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại của tỉnh Quảng Ninh.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển toàn diện các lĩnh vực sản xuất, kinh tế của huyện Đầm Hà đã có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất các ngành trọng điểm nông, lâm, thủy sản tăng trưởng mạnh qua các năm. Đặc biệt thu nhập của người dân Đầm Hà tính ở thời điểm cuối năm 2023 là trên 80 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn là 75 triệu đồng/người/năm; khu vực đô thị là trên 103 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không có hộ nghèo, không có nhà dột nát. Chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn đã nâng lên rõ rệt.
Với kết quả đạt được, Đầm Hà vinh dự là huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong thời gian tới, Đầm Hà sẽ tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí, đồng thời đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.